Sở dĩ Vu lan được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất của Phật giáo, bởi đây là thời điểm kết thúc mùa an cư kiết hạ kéo dài ba tháng của tăng ni. Tăng ni được thêm một tuổi hạ sau mấy tháng tĩnh tu.
Lễ Vu lan báo hiếu được thực hiện theo điển tích ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, được người Việt chấp nhận, có sự giao thoa với quan niệm thờ cúng tổ tiên, xem đây là nét đẹp văn hóa truyền thống để thể hiện tinh thần báo ân, báo hiếu.
Dịp lễ tháng 7, con cháu thường sửa soạn mâm cơm, trái cây thành kính dâng lên cha mẹ, ông bà tổ tiên quá vãng. Đó là nét đẹp truyền thống cũng là sự biết ơn và báo ơn, đồng thời truyền tải tinh thần hiếu kính của người con với cha mẹ.
Lễ cúng mông sơn thí thực tại chùa Quán Sứ. Lễ cúng của nhà Phật giúp các cô hồn tĩnh tâm và niệm theo danh hiệu của chư Phật ở mười phương, hướng các cô hồn tu học và nguyện thành Phật. |
Dân gian cũng có quan niệm về ngày xá tội vong nhân, thường có lễ cúng cô hồn. Phật giáo cũng có lục đạo, ba nẻo về thiện đạo, ba nẻo về ác đạo. Phật giáo cũng thực hành lễ cúng mông sơn thí thực sau khi kết thúc mùa an cư kiết sự. Bên cạnh sửa soạn lễ vật, các bậc tăng, ni đọc bài chú để giải trừ nghiệp chướng, giúp các cô hồn tĩnh tâm và hướng Phật.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP. Hà Nội - lý giải những người khuất đi mà không còn có người đơm cúng, những vong linh bất hạnh ấy đều được gọi đấy là cô hồn.
“Những vong hồn cô độc, không nơi không nơi nương tựa, không người đơm cúng, vì thế chúng ta tưởng nhớ đến họ mà sửa lễ cúng. Lễ cô hồn không phải là lễ cho những người khốn khổ”, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm trả lời Tiền Phong.
Giải đáp về quan điểm cúng cô hồn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng việc chuẩn bị lễ cúng nên tùy theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ về lễ Vu lan, cúng Rằm tháng 7 và lễ cúng cô hồn. Ảnh: Công Hướng. |
“Dâng cúng ông bà tổ tiên như thế nào, cũng nên dâng cúng cho các vong hồn như thế. Đây không chỉ là tinh thần bình đẳng của đạo Phật mà còn là tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Khi xưa chúng ta còn nghèo nên chỉ cúng khoai, chuối, bỏng, cháo... còn bây giờ khi đã cơm no, áo ấm chúng ta có thể thay đổi lễ vật tùy vào điều kiện”, Hòa thượng nói. Điều quan trọng nhất là lòng thành kính, bởi “cúng là kính”.
Những năm gần đây, người dân thường có xu hướng coi tháng 7 là tháng cô hồn, xui xẻo nên tự đặt ra nhiều điều kiêng kỵ trong đời sống từ chuyện làm ăn, mua bán tới nhiều chuyện hệ trọng khác.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giải thích quan điểm coi tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn mới chỉ xuất hiện gần đây, xuất hiện ở phía Nam nhiều hơn.
Phật giáo không quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn. “Theo quan niệm của nhà Phật, một năm có 12 tháng, 365 ngày đều an lành, đêm an lành. Ngày có sáu thời, tất cả đều an lành”, Hòa thượng nói.