Ứng viên Tổng thống Mỹ chi hàng triệu đô, ai hưởng lợi?

Nơi nhận được nhiều tiền nhất từ các ứng viên Tổng thống chính là các công ty truyền thông.
Nơi nhận được nhiều tiền nhất từ các ứng viên Tổng thống chính là các công ty truyền thông.
TPO - Những ứng viên Tổng thống Mỹ đã mạnh tay chi hàng triệu đô la trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Vậy cụ thể, số tiền ấy được rót vào đâu? Ai là người hưởng lợi từ cuộc bầu cử Tổng thống?

Theo thống kê của tờ báo Đức DW, chỉ trong vòng 7 ngày từ 11/10 đến 18/10, bộ máy quản lý chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary Clinton đã rót ít nhất 12,5 triệu USD (tương đương hơn 279 tỉ đồng) vào các đài truyền hình để phát quảng cáo kêu gọi người dân bỏ phiếu cho cựu Ngoại trưởng Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian đó, số tiền mà ông Trump chi cho các quảng cáo trên truyền hình là 11,7 triệu USD (tương đương 261 tỉ đồng).

“Nếu bạn sống ở những bang trọng yếu như Florida, Ohio hay Pennsylvania, cứ bước vài bước trên phố, bạn sẽ lại bắt gặp hoặc được nghe thông tin quảng cáo về các ứng viên”, ông David Brady – một chuyên gia chính trị và kinh tế tại đại học Stanford cho biết.

Thực tế, để đảm bảo thông điệp của mình được truyền đến cử tri, bên cạnh những công ty truyền thông, các ứng viên Tổng thống còn huy động rất nhiều chuyên gia tư vấn, chiến lược gia, nhà phân tích và thực hiện vô số thăm dò dư luận. Có khoảng 100 đến 200 công ty tư vấn chính trị và hàng ngàn chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này, theo Adam Sheingate, một giáo sư tại Đại học Johns Hopkins.

Trong buổi phóng vấn với DW, một nhà nghiên cứu chính trị học đã tiết lộ: “Các chuyên gia tư vấn truyền thông được kí những hợp đồng rất lớn với nhiệm vụ tư vấn cách thiết kế và vị trí đặt quảng cáo.”

Từ đó, có thể thấy những người hưởng nhiều lợi lộc nhất từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, không ai khác chính là giới truyền thông, sau đó đến các công ty tư vấn chính trị.

Công ty GMMB – công ty chuyên trách lĩnh vực truyền thông quảng cáo cho chiến dịch của bà Hillary Clinton cùng nhiều thành viên Đảng Dân chủ khác là nơi được rót nhiều tiền nhất trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty này đã nhận được hơn 121 triệu USD (tương đương hơn 2700 tỉ đồng), theo số liệu từ Ủy ban Bầu cử Liên bang.

Bốn năm trước, công ty này đã nhận được 411 triệu USD (tương đương hơn 9000 tỉ) nhờ truyền thông quảng cáo cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Obama.

Không chỉ quảng cáo trên báo chí và truyền hình, các ứng viên Tổng thống còn đẩy mạnh sử dụng những chiến dịch kêu gọi thông qua kênh kĩ thuật số như email, quảng cáo trên mạng... Tiền chi cho các hoạt động này là hơn 1 tỉ USD (tương đương hơn 22 nghìn tỉ đồng), gấp 10 lần số tiền mà ông Obama đã chi khi tranh cử Tổng thống hồi năm 2008.

Tuy số tiền đầu tư vào việc vận động trên mạng tăng lên, nhưng các ứng viên vẫn không từ bỏ phương pháp vận động truyền thống thông qua các sản phẩm in ấn. Người dân Mỹ trong thời gian này nhận được rất nhiều tờ rơi và thư quảng cáo. Các công ty in ấn theo đó cũng được hưởng lợi khá nhiều.

Ứng viên Tổng thống Mỹ chi hàng triệu đô, ai hưởng lợi? ảnh 1

Các công ty in ấn ăn nên làm ra trong suốt cuộc bầu cử.

Để có những sản phẩm quảng cáo như áo phông, cốc, đề can hay mũ lưỡi trai in khẩu hiệu, các ứng viên Tổng thống còn phải rót không ít tiền vào những công ty sản xuất đồ lưu niệm. Chỉ tính riêng trong tháng Tám, cơ quan quản lý bộ máy vận động tranh cử của ông Trump đã trả hơn 2 triệu USD (hơn 44 tỉ đồng) cho 2 công ty California Cali-Fame và Ace để sản xuất các sản phẩm này.

Các dịch vụ khác như cho thuê xe/địa điểm, nhà hàng, khách sạn, quán bar... cũng có một mùa làm ăn rực rỡ khi những người hoạt động trong bộ máy vận động tranh cử của các ứng viên phải liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Trong suốt cuộc bầu cử, số tiền đổ vào các công ty Mỹ khá lớn, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, số tiền này vẫn không đủ mạnh để tác động lâu dài đến nền kinh tế mà sẽ chỉ tạo ra sự bùng nổ tạm thời. 

“Khi cuộc bầu cử Tổng thống chấm dứt, các công ty sẽ không còn nhận được nhiều tiền từ những ứng viên nữa. Và mọi chuyện sẽ trở lại như cũ.”, Tobe Berkovitz – giảng viên chuyên trách bộ môn quảng cáo tại ĐH Boston nhận định.

Theo Theo DW
MỚI - NÓNG