Úc hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch ASEAN lần thứ 24 về tình hình hiện nay ở biển Đông ngày 11/5, đồng thời khẳng định nước này có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải.
Úc đề nghị các bên liên quan kiềm chế những hành động khiêu khích có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng. Nước này cũng kêu gọi các chính phủ giải thích rõ và thực hiện các tuyên bố lãnh thổ, cùng với các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Trong khi đó, một cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Phản ứng lại chỉ trích Trung Quốc “khiêu khích” của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Trung Quốc cáo buộc Mỹ kích động các nước trong khu vực chống lại nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chính Mỹ đã đưa ra một loạt nhận xét sai lầm về các vấn đề liên quan đến biển, khuyến khích hành vi đe dọa và khiêu khích của một số nước”. Bà Hoa nói rằng, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry không hề nói từ “khiêu khích”, báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 14/5 đưa tin.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters và báo The Sidney Morning Herald (Úc) ngày 14/5 trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định, Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc điện đàm đã nêu rõ việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 và đội tàu hùng hậu vào vùng biển Việt Nam là hành động khiêu khích.
“Chúng tôi xin nhắc lại, đây là hành động đơn phương nằm trong một chuỗi hành động quy mô lớn hơn của Trung Quốc, nhằm tuyên bố chủ quyền với các vùng biển tranh chấp, và theo quan điểm của chúng tôi là gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực”, bà Psaki nói.
“Chúng tôi cho rằng, bất kỳ thành viên nào của cộng đồng quốc tế cũng có quyền bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này, dù chúng tôi không đứng về bên nào”, bà Psaki trả lời khi được hỏi về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ có “những hành động và phát ngôn sai trái” về căng thẳng trên biển Đông.
Bà Psaki cho biết, Mỹ vẫn duy trì liên lạc với Trung Quốc về các vấn đề ở nhiều cấp độ, trong đó có vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, bà từ chối trả lời khi được hỏi về giải pháp hành động của Mỹ nếu Trung Quốc tiếp tục có các hành động hung hăng ở khu vực trên.
South China Morning Post dẫn lời giáo sư Wang Fan (Đại học Ngoại giao Trung Quốc) nhận xét, quan chức cấp cao Mỹ-Trung đều muốn tránh để vấn đề tranh chấp ở biển Đông trở thành một điểm nóng mới giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo Voice of America, tranh chấp ở biển Đông sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Mỹ của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy. Ông Phòng sẽ hội đàm với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey.
Các tướng lĩnh Mỹ bày tỏ lo ngại về thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc khi đòi hỏi gần như toàn bộ biển Đông. Mỹ tuyên bố có lợi ích trong việc duy trì luật pháp và đảm bảo các hành động đơn phương không xảy ra.
Tờ New York Times (Mỹ) hôm 14/5 đăng bài “Phẫn nộ dâng cao tại Việt Nam về tranh chấp với Trung Quốc”. Các báo Pháp như Le Monde, Echos ngày 14/5 đều tường thuật về sự giận dữ của người Việt Nam trước hành động Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan khổng lồ trong vùng biển của Việt Nam.