Mỹ chỉ trích Trung Quốc khiêu khích Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
TP - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ và nhiều nước khác quan ngại sâu sắc về hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông, hãng tin AP đưa tin ngày 12/5.

“Chúng tôi muốn thấy việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử, chúng tôi muốn thấy vụ việc này được giải quyết một cách hòa bình bằng luật biển, thông qua trọng tài hay bất cứ biện pháp nào khác, nhưng không phải là đối đầu trực tiếp và hành động hung hăng”, Ngoại trưởng Kerry nói.

“Chúng tôi đặc biệt quan ngại sâu sắc về hành động gây hấn này”, ông Kerry phát biểu trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam. Ngoại trưởng Kerry cho biết, ông và người đồng nhiệm thảo luận nhiều chủ đề, vấn đề mới nhất là tranh chấp quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Ông Shanmugam thể hiện mong muốn ASEAN và Trung Quốc đạt được thống nhất về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Mỹ - Singapore diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông, sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhưng có lợi ích trong tự do thương mại và hàng hải ở biển Đông - nơi có nhiều tuyến hàng hải nhộn nhịp.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/5 chỉ trích việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 và triển khai nhiều tàu quanh đó là hành động khiêu khích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jenifer Psaki cho hay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra chỉ trích trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản) ngày 13/5 có bài nhận định lý do Trung Quốc chọn thời điểm này để kéo giàn khoan 981 xuống biển Đông và tại sao chọn Việt Nam là đối tượng gây hấn. The Diplomat cho rằng, hành động này là một phép thử đối với một số quốc gia, trong đó có Mỹ. Nó cũng cho Bắc Kinh một cơ hội đo lường phản ứng của quốc tế đối với sự quyết đoán trong yêu sách lãnh thổ.  

Các chuyên gia Carl Thayer và Taylor Fravel đều chỉ ra thực tế Trung Quốc ngang ngược kéo 80 tàu (trong đó có nhiều tàu vũ trang) hộ tống giàn khoan đã củng cố quan điểm Trung Quốc đang thúc đẩy một chiến lược cứng rắn đòi hỏi chủ quyền trong khu vực.

Theo The Diplomat, việc Trung Quốc đột nhiên đẩy mối quan hệ Việt-Trung ổn định vào tình trạng nguy hiểm có vẻ “trơ tráo và vô trách nhiệm”. Trước khi cố thử vận may với các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Philippines (quốc gia vừa ký thỏa thuận quốc phòng 10 năm với Mỹ), Trung Quốc muốn biết quyết tâm của Mỹ muốn bảo vệ các lợi ích của mình tại khu vực đến đâu.

The Diplomat cho rằng, tất cả những việc Mỹ cần làm là phải chứng minh Mỹ muốn bảo vệ các lợi ích như từng làm trong quá khứ, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình mọi xung đột, không đe dọa và không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Với sự kiện hạ đặt giàn khoan 981, Trung Quốc đã thách thức cả 3 nguyên tắc của Mỹ.

Trung Quốc chọn thời điểm gây hấn sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hoàn tất chuyến công du châu Á và ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar có nguy cơ thu hút sự chú ý và lên án của cộng đồng quốc tế.

Tránh gây chuyện với các đồng minh hay đối tác chủ chốt của Mỹ, Trung Quốc tìm cách chứng minh rằng, Mỹ không đủ khả năng bảo vệ các lợi ích trong khu vực. Tuy nhiên, một hệ quả tiêu cực là các quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường quốc phòng và nhờ cậy vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ, trong khi Việt Nam không phải một đối thủ dễ chơi, The Diplomat nhận định. 

Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 13/5 cho rằng, Trung Quốc đang phải trả giá cho sự hung hăng ở biển Đông vì sự phiêu lưu chính trị.

MỚI - NÓNG