Mấy năm trước giáo sư phản đối chuyện lên đồng trở thành di sản thế giới. Còn bây giờ, ông là cố vấn cho hồ sơ này?
Đó là thời điểm năm 2010. Khi ấy, tôi sợ nhận thức xã hội chưa rõ. Hầu đồng có một thời gian dài bị cấm hoạt động vì những biến tướng. Còn bây giờ người dân cũng như các chuyên gia đều hiểu hơn. Những người đang hoạt động trong lĩnh vực này cũng có ý thức tốt hơn- kể từ khi Nghi thức Chầu văn được công nhận là Di sản quốc gia năm qua.
Trước đây, ý tưởng lập hồ sơ hay được nhắc tới khái niệm “nghi thức chầu văn”. Nhiều người cho rằng đó chỉ là một cách để “lách” tên gọi lên đồng. Còn bây giờ, hồ sơ gửi đi đổi tên thành Tín ngưỡng Thờ mẫu Tam phủ của người Việt. Sự thật, có gì khác nhau?
Ngắn gọn, hầu đồng là nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu, hai cái này như hình với bóng. Hồ sơ về tín ngưỡng thờ Mẫu đề cập khá nhiều khái niệm về văn hóa và có phạm trù rộng hơn hầu đồng. Còn cách nói nghi lễ chầu văn, như bạn nói, là một khái niệm khi nhận thức xã hội trước đây chưa rõ. Sự thật, tôi vẫn thích từ lên đồng, nó thực chất hơn. Từ “lên” thể hiện trạng thái thăng hoa, không bình thường của cơ thể. (Cười)
Trong một hội thảo do Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức, chủ nhang Bích Loan kêu: “Bên cạnh thanh đồng chân chính, đây đó vẫn còn những người lợi dụng bóng Thánh để thỏa mãn bản ngã tham sân si. Nhiều người cuồng tín, kẻ không tín cũng ra hầu thành ra đồng đúa, đồng đú”. Bà Loan lý giải có nhiều nguyên nhân, nhất là hiểu biết chung về sứ mệnh của một số thanh đồng rất mù mờ. Phép tắc trong thực hành tín ngưỡng lại càng hiếm, ai cũng coi mình là chuẩn.
Một hiện tượng khá thú vị, đó là nhiều di sản lập hồ sơ xin danh hiệu vì trong tình trạng thoi thóp, còn lên đồng lại sống tốt, thậm chí bùng phát. Ông có thể giải thích?
Ở trường hợp của những di sản đang ở tình trạng mất dần như ca trù, hát xoan, chúng ta xin danh hiệu hướng tới cái đích “cấp cứu”, đưa di sản ra khỏi trạng thái thở ô xy. Còn lên đồng là hiện tượng xã hội bùng phát. Nó đứng trước một cái khác-lệch chuẩn: Do tính phân tán, phổ biến trên phạm vi rất rộng, nó không có quy chuẩn, hoặc đã có nhưng không giữ được. Tôi nghĩ phải đến 70-80% không hiểu đạo Mẫu là gì, họ ở trạng thái rất tự do ai muốn làm gì thì làm, nó xa với cái gốc.
Lệch chuẩn còn nằm ở ý nghĩa bị lợi dụng. Tôi được biết nhiều nơi các cung văn hát sai lệch hẳn so với các bản nhạc gốc. Hỏi tại sao, họ bảo vì mấy bà đồng thích. Các bà thích thì tung tiền cho nhiều.
Bởi thế, có thể coi việc xin danh hiệu cho hồ sơ nay cũng là một biện pháp để uốn nắn, đưa nó vào quy chuẩn cần thiết, khi mọi người chú ý tới hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu nhiều hơn.
Nếu UNESCO công nhận, liệu những biến tướng của lên đồng có giảm?
Trước hết danh hiệu rất quan trọng, khẳng định giá trị của di sản. Tuy nhiên cũng có xu hướng nó bung ra thêm. Cho nên chúng tôi đã trình Chính phủ phải tổ chức lại, tìm hình thức phù hợp. Vừa rồi, chúng tôi tổ chức khoảng 25 cuộc kết hợp hội thảo với liên hoan. Những thanh đồng cũng tham gia, rất ý thức. Khi dự liên hoan họ được thực hiện hành vi về tín ngưỡng, cũng là cách đưa họ về quỹ đạo. Một số địa phương như Hải Phòng đưa ra một số quy định về ăn mặc, hành vi, không phán truyền, không đưa bài hát mới vào.
Gần đây nhiều nhà hát đua nhau đưa lên đồng vào chương trình biểu diễn phục vụ du khách quốc tế. Ông thấy hình thức này thế nào, có làm mất tính thiêng?
Đưa hầu đồng lên sân khấu là xu hướng của xã hội hiện đại, chỉ khác nhau khi đưa lên sân khấu nó là tác phẩm nghệ thuật, chứ bê nguyên xi một nghi lễ lên là không được. Tâm linh Việt của NSND Lan Hương là một cách, tôi thấy thế là được. Manh bạo hơn, Phó An My có chương trình kết hợp với âm nhạc biểu diễn. Khi đó, nó phải trở thành tiết mục mang tính nghệ thuật cao, giảm thấp nhất tính tín ngưỡng, như ba giá đồng chẳng hạn. Tôi cho rằng, lên đồng có nhiều yếu tố tiềm năng để khai thác trên sân khấu vì nhiều màu sắc, âm nhạc, múa.