Tổng thống Mỹ Trump khiến xung đột Trung Đông không có hồi kết?

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN
TPO - Kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, một loạt các quyết định của Tổng thống Donald Trump về Trung Đông được xem là tác nhân chính khiến cho các cuộc xung đột, nội chiến tại khu vực này chưa có hồi kết.

Dưới thời Tổng thống Trump, Trung Đông được Mỹ xác định là trọng điểm trong chiến lược đối ngoại của chính quyền Washington. Điều đó được chứng minh bằng việc, ngay sau trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã lựa chọn Trung Đông là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Tuy nhiên, một loạt các quyết định và bước đi của chính quyền Washington đối với Trung Đông sau đó khiến người ta cảm giác dường như ông Trump và đội ngũ cố vấn của mình chưa thực sự có những chính sách rõ ràng và sự nhất quán về Trung Đông.

Giới quan sát đặc biệt kỳ vọng vào vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trong hóa giải xung đột Israel và Palestine trong chuyến thăm kéo dài 9 ngày lần đầu tiên của ông Trump tới 3 nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Israel và Palestine.

Tuy nhiên, thay vì “dập tắt”, ông Trump lại “đổ thêm dầu vào lửa” vào khu vực vốn được coi là chảo lửa của thế giới, bằng quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ đó là công nhận thánh địa Jerusalem là Thủ đô của Nhà nước Do thái Israel.

Bản thân ông Trump và các cố vấn thân cận của mình thì biện minh rằng, quyết định này là nhằm hiện thực hóa các lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Và rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của Mỹ và nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, phần lớn các nước Trung Đông và các nước châu Âu lại không cho là như vậy. Ngay sau quyết định của Mỹ, tất cả các nước châu Âu đồng loạt lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.

Đặc biệt, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp đặc biệt bất thường và đã thông qua Nghị nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Theo các chuyên gia phân tích, quyết định của ông Trump đã gây nên làn sóng phản đối không những ở khu vực Trung Đông mà trên toàn thế giới. Điều này sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường và khiến khu vực Trung Đông rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng toàn diện. Những phản ứng chống lại Mỹ đã và sẽ khiến cho lợi ích và hình ảnh của nước Mỹ tại Trung Đông bị tổn hại một cách nghiêm trọng.

Ngoài ra, một động thái gây nhiều tranh cãi và góp phần thổi bùng “đám lửa âm ỉ cháy” ở Trung Đông là quyết định đe dọa hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran được cả thế giới hoan nghênh.

Ông Trump và đội ngũ cố vấn thân cận cho rằng, Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc trên thế giới gồm (Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ), không nằm trong lợi ích của Mỹ, do vậy, Nhà Trắng sẽ ra thông báo về việc rút khỏi thỏa thuận này.

Các nhà phân tích cho rằng,  quyết định này của Mỹ sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường với các cam kết quốc tế do chính Mỹ khởi xướng. Đằng sau các quyết định này là cả một loạt các tính toán của Mỹ, đồng thời phản ánh rõ nét chiến lược mà ông Donald Trump theo đuổi bấy lâu nay đó là “Nước Mỹ trên hết”. 

Ngoài ra, trong năm 2017, ông Trump cũng có một loạt các động thái gây tranh cãi với Nga trong vấn đề Syria. Thay bằng hợp tác với Nga trong việc tiêu diệt các lực lượng khủng bố và bắt tay vào công tác tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến, Tổng thống Trump đã có một loạt các động thái khiến tình hình Syria ngày càng khó đoán định, đó là hỗ trợ vũ khí và hậu cần cho các phần tử khủng bố, thành lập lực lượng đối lập mới tại Syria.

Động thái này của Mỹ sẽ khiến cho tiến trình hòa bình và chính trị tại Syria ngày càng khó đoán định.

Như vậy, có thể thấy rằng, ngay trong năm đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Trump đã có một loạt các quyết định có thể nói là "tiêu cực" trong một loạt vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh khu vực Trung Đông.

Những quyết định này đã đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực mới. Nhưng nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh giúp cho thế giới nhận ra sự cần thiết phải đoàn kết lại để có những nỗ lực thực sự mang lại hòa bình cho khu vực đầy khói súng này.

MỚI - NÓNG