Ông Trump gây xáo trộn Trung Đông

Biểu tình rầm rộ ở Trung Đông phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: CNN.
Biểu tình rầm rộ ở Trung Đông phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: CNN.
TP - Năm 2017, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Donald Trump đưa ra nhiều sách lược được cho là làm xáo trộn Trung Đông, khiến cho tiến trình hòa bình khu vực trật đường ray.

Nếu như khi mới nhậm chức, ông Trump hứa hẹn việc đánh bại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) là ưu tiên hàng đầu của ông trong khu vực. Thế nhưng, chính sách của Mỹ chỉ làm cho tình hình khu vực thêm rối rắm và khiến cho nó rơi vào tay của các đối thủ của Mỹ.

Có thể nói, năm 2017 là năm trỗi dậy của Iran và cho thấy sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ, giới quan sát nhận định.

Trung Đông rơi vào chảo lửa

Gần đây nhất, việc Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, mặc cho các lời khuyên công khai của các đồng minh thân cận nhất của Washington tại các nước Ả rập (trong đó có Ả rập Xê út và Jordan) đã đưa Trung Đông vào chảo lửa với các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ diễn ra khắp các nước Ả rập.

Một tuần sau đó, một cuộc họp khẩn cấp giữa lãnh đạo các nước Hồi giáo (Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Jordan và Qatar) diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để tuyên bố quyết định này của ông Trump là vô giá trị và nước Mỹ không còn đủ tư cách là trung gian hòa giải tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Còn tại cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới đây, Mỹ nhận thất bại ê chề khi 128 quốc gia bỏ phiếu thông qua việc đề nghị Mỹ rút lại việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Việc chính quyền của ông Trump bỏ qua lời khuyên của các nhà ngoại giao tài ba, có kinh nghiệm và giao phó toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Trung Đông cho con rể Jared Kushner, 36 tuổi, chàng tân binh trong chính trị đã cho thấy rằng, vấn đề Jerusalem nói riêng hay vấn đề Trung Đông nói chung mới chỉ là bắt đầu. Sẽ còn nhiều xáo trộn sẽ diễn ra trong năm 2018.

Tiến trình hòa bình Israel- Palestine: Nhiệm vụ bất khả thi

Đồng minh Ả rập thân cận nhất của Tổng thống Trump cũng có một năm sóng gió. Thái tử Ả rập Xê út Mohammed Bin Salman, 32 tuổi, người được mệnh danh là “ông Trump ở Trung Đông”, cũng đã đưa ra nhiều cải cách gây xôn xao ở nước ngoài như việc cho phép phụ nữ được lái xe hoặc vào rạp chiếu phim...

Vị Thái tử này được cho là nhân vật chủ chốt đề xướng cuộc chiến tranh thảm khốc tại Yemen, hay đưa ra lệnh cấm vận đối với Qatar, sự từ chức của Thủ tướng Li-băng Saad Al-Hariri (người sau đó đã rút đơn từ chức) và gần đây nhất là việc giam giữ tỷ phú Sabih Al-Masri (người điều hành Ngân hàng Ả rập, một nhà tài trợ chính của chính phủ Jordan).

Tất cả những nỗ lực này nhằm buộc các đối thủ trong thế giới Ả rập phải quy phục Ả rập Xê út. Thế nhưng cho đến nay, nó đã mang lại phản ứng ngược. Việc cấm vận Qatar lại khiến cho nước này xích lại gần hơn với các nước Ả rập giàu giàu mỏ và Iran. Một làn sóng chống lại Ả rập Xê út đang diễn ra trên toàn khu vực.

Trong khi đó, Mỹ với sự thúc giục của Ả rập Xê út và Israel đang cố gắng liên kết với nhau để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Iran. Các lệnh trừng phạt và cô lập ngoại giao ngược lại càng làm Iran phát triển mạnh hơn. Dù có bất kỳ thêm chút triển vọng nào, tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng trong những lúc thuận lợi nhất. Với đà này, đây sẽ là nhiệm vụ bất khả thi, các nhà phân tích nhận định.

Hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác

Nói một cách công bằng, sự nhầm lẫn trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông không phải là mới. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đưa ra giới hạn đỏ trong việc khống chế chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học đối với đối phương. Thế nhưng, tháng 8/2013, Syria vẫn cứ làm và Mỹ chẳng làm được gì, giới quan sát nhận định. Sự chia rẽ và phân cấp giữa các đối thủ của Syria giờ đang trên bờ vực thất bại.

Chính quyền ông Trump đã thừa kế những thất bại trên và còn vội vã xây dựng từ nền móng đó, khiến tình hình tồi tệ hơn khi đe dọa hủy bỏ các thỏa thuận quốc tế như thỏa thuận hạt nhân Iran, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel...

Giờ đây, Mỹ đang có dấu hiệu sẵn sàng có những hành động cứng rắn hơn với Iran. Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley chỉ trích rằng, vẫn còn tồn tại những tên lửa đạn đạo mà Iran cung cấp bắn vào Ả rập Xê út từ Yemen.

Trong khi các đồng minh truyền thống châu Âu đang cô lập Washington, Nga chiếm thế thượng phong ở Trung Đông bằng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình chính trị trong nội bộ nước Mỹ lục đục, việc Mỹ vội vàng hướng sang Trung Đông càng chuốc lấy thảm họa. Năm 2018, Trung Đông sẽ còn nhiều đảo lộn với chính sách khó lường của ông Trump, nhiều nhà phân tích dự đoán.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG