Thì không hiểu được học sinh con em mình từ 6 tuổi đã phải cõng trên lưng những ba lô nặng hàng chục ký sách vở, với hành trình mười mấy năm trời ròng rã nắng mưa, nay sẽ lại bị chất nặng thêm nữa…
Người lớn chúng ta "có vấn đề" gì về nhận thức và lương tâm hay không mà không nhìn thấy điều đó? Thời đại mọi thứ đang trên đà số hóa toàn diện, thì ở ta sách giáo khoa từ năm học tới sẽ trở nên "to hơn, đẹp hơn", và chắc hẳn sẽ nặng hơn, giá sách cũng tăng gấp 2-3 lần!
Việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa đã được cho phép xã hội hóa, tất nhiên ngành giáo dục sẽ "vô can" về chất lượng giấy má, giá cả. Tiếng nói của Bộ Giáo dục mới đây sau phản ứng của dư luận là kiến nghị bộ ngành khác xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Và nữa, tư lệnh ngành này cũng vừa yêu cầu các nhà xuất bản cung cấp file PFD sách giáo khoa lên trang web của mình để học sinh lấy xuống học một cách thuận tiện ngay khi sách chưa phát hành. Nhưng liệu có doanh nghiệp/nhà xuất bản nào chấp nhận sự "thiệt hại" này?
Sách giáo khoa trên thế giới đang chuyển dần sang hình thức kỹ thuật số, giúp học sinh vừa dễ dàng (học tập, nghiên cứu), vừa nhẹ nhàng (bớt phải mang vác). Tất nhiên cuộc đấu tranh này cũng không dễ dàng gì. Bởi giới chuyên sản xuất sách giáo khoa không hề muốn "nhả" ra món hàng với lợi nhuận khổng lồ, bền vững và béo bở này.
"Thật vô lý khi học sinh của chúng tôi nhét điện thoại di động, iPad và iPod vào ba lô khi vào lớp học và lôi ra một cuốn sách giáo khoa rách nát" – Eli Broad tỷ phú Mỹ người đã tài trợ hàng tỷ đô la cho giáo dục từng thốt lên. Các cố vấn giáo dục dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng cho rằng nên bỏ sách giáo khoa giấy trong vòng 5 năm tới, thay thế bằng sách và giáo trình điện tử.
Bộ trưởng Y tế vừa ngậm ngùi nói trước Quốc hội, rằng "vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều…". Thực tế là hàng loạt vụ khởi tố, bắt bớ những nhân lực, chuyên gia quan trọng hàng đầu của ngành y tế cũng chỉ vì xã hội hóa, mà kẽ hở lớn nhất là sự nhập nhằng pha trộn giữa công và tư, từ mô hình quản lý cho đến liên kết, đầu tư. Một nghị định đang được Bộ này gấp rút xây dựng về "liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để sớm trình Chính phủ" như Bộ trưởng vừa phát biểu, liệu có khiến ngành giáo dục "cảnh giác" hơn để rút ra bài học cho mình? Để tránh có một "Việt Á" nữa trong sách giáo khoa?
Sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần, học phí cũng chuẩn bị tăng, có nơi tăng gấp 5 lần. Cứ cho là đồng tiền sẽ quyết định chất lượng dịch vụ. Nhưng đừng quên học trò học hành không chỉ để nuôi sống và làm giàu cho bản thân, mà còn chính là động lực quan trọng bậc nhất để hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng trong tương lai gần. Động lực tiên quyết ấy mỗi ngày càng bị đè xuống nặng trĩu, chúng ta sẽ có gì?