Tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tăng mạnh bất chấp lãi suất giảm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, riêng ngày 30/6 tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ so với tháng 5, mức tăng theo tháng kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1/2021 đến nay. Theo các chuyên gia, tiền ngân hàng dư thừa nhưng sức hấp thụ vốn yếu và tiền không vào sản xuất, kinh doanh.

Dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6 Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy, lượng tiền lớn tiếp tục chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất huy động ngày càng xuống thấp.

Tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tăng mạnh bất chấp lãi suất giảm ảnh 1

Tháng 6, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn tiền gửi của người dân.

Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. Như vậy, tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái.

So với tháng 5, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng thêm 35.341 tỷ đồng. So với cuối năm 2022, số tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đã tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng đã lấy lại mốc của cuối năm ngoái sau 5 tháng giảm. Ngân hàng Nhà nước thống kê, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng.

Riêng ngày 30/6, tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đã đạt hơn 12 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ so với tháng 5, mức tăng theo tháng kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 1/2021 đến nay. So với cùng kỳ các năm trước, đây cũng là tháng 6 tăng trưởng cao nhất.

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện nay các ngân hàng đang thừa thanh khoản và ít phải vay (Ngân hàng Nhà nước). Huy động tốt trong khi tín dụng đầu ra đang gặp nhiều khó khăn do tác động của cả bên ngoài lẫn trong nội tại nền kinh tế Việt Nam. Cầu tiêu dùng sụt giảm trên toàn cầu đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, dẫn đến cầu tín dụng suy giảm. Thời gian gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước liên tục khẳng định, hệ thống tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế và tiếp tục nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay.

Hiện tượng thừa thanh khoản trong các ngân hàng cũng khiến các ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất huy động hơn trong thời gian gần đây. Đến nay, trên thị trường gần như không có ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất huy động 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng chỉ còn 6 - 6,5%/năm.

Riêng 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ còn 5,8%/năm. Còn kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng quanh mức 4 - 5%/năm. Như vậy so với hồi đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm 3 - 4%/năm tùy theo ngân hàng và kỳ hạn.

Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng vẫn diễn ra liên tục khi vừa qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo hạ lãi suất cho vay. Hồi giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, người dân chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất có giảm để đảm bảo an toàn.

“Sản xuất kinh doanh rất khó khăn nên tiền của người dân quay về kênh ngân hàng. Trong gần 3 năm dịch bệnh, sản xuất gần như ngưng trệ nhưng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ồ ạt, thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, giá bất động sản tăng mạnh. Đến nay, vụ việc vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến người dân thiếu niềm tin với thị trường vốn”, ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG