Từ ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 4. Chỉ trong vài ngày, các ngân hàng đua nhau giảm mạnh lãi suất huy động. Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) đang có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Những ngân hàng này cũng giảm mạnh tới 0,5% ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, tại kỳ hạn 12 tháng, nhóm ngân hàng này đưa mức lãi suất chỉ còn 6,3%/năm.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng nhóm Big 4 thấp nhất hệ thống. |
Nhóm ngân hàng tư nhân cũng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất từ đầu tháng 6, thậm chí giảm nhiều lần trong tháng. Cụ thể, ABBank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ 8,3% còn 7,8%/năm. SeaBank giảm từ mức 7,8% xuống còn 7,1%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Cũng kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm 12 tháng, TPBank giảm 0,3% còn 7%/năm; NCB giảm 0,2% còn 7,6%/năm; VIB còn 7,1%/năm.
Trên thị trường, chỉ còn rất ít ngân hàng huy động lãi suất trên 8% kỳ hạn 12 tháng. Cụ thể, CBBank 8,15%/năm; PGBank 8%/năm.
Đối với công tác điều hành lãi suất, từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản liên tục 4 lần với mức 0,5-2%/năm. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại hiện ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân tiền đồng ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1% so với cuối năm 2022).
Theo đánh giá của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), đa số lãi suất điều hành đã giảm về tương đương giai đoạn năm 2020, thời điểm Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19.
Mặc dù đây là động thái chủ động của cơ quan điều hành trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhóm phân tích cho rằng việc giảm lãi suất điều hành không phải là điều kiện đủ trong thời điểm hiện tại. "Việc cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp cũng như triển khai thực tế của các giải pháp từ Chính phủ sẽ có nhiều tác động hơn tới mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường", báo cáo của SSI Research cho biết.
Bên cạnh đó, áp lực về tỷ giá cũng cần được cân nhắc khi lộ trình thực hiện lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa rõ ràng hay áp lực về lạm phát khi lạm phát cơ bản đang ở mức cao.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ tư khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Tại họp báo ngày 21/6 của Ngân hàng Nhà nước, trả lời câu hỏi về đánh giá và ứng xử của Ngân hàng Nhà nước trước việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dừng tăng lãi suất trong tháng 6 nhưng vẫn dự kiến tăng tiếp thời gian tới, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - khẳng định Việt Nam có phương pháp riêng phù hợp tình hình.
“Thực tế là FED đã tăng bao nhiêu lần từ năm ngoái đến nay chứ không phải sắp tới mới tăng. FED tăng là việc của FED. Còn chúng ta trong thời gian qua nghiên cứu tất cả các tác động để có đối sách phù hợp. Chúng ta có điều kiện kiểm soát lạm phát tốt, và một số chỉ tiêu vĩ mô khác tích cực cho phép chúng ta giảm lãi suất điều hành” - ông Tú nói: