Sáng nay, nhóm Big 4 điều chỉnh mạnh tay nhất lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng với khách hàng cá nhân. Cụ thể, BIDV giảm 0,4% kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,1%/năm; 3- 5 còn 4,6%/năm; giữ nguyên mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng 6,8%/năm.
Vietcombank cũng giảm 0,4% kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể, tại kỳ hạn 1-2 tháng 4,1%/năm; 3 tháng 4,6%/năm; 12 tháng giữ nguyên 6,8%/năm.
Tương tự, Viettinbank giảm kỳ hạn 1-2 tháng 4,1%/năm; 3-5 tháng 4,6%/năm; và giữ nguyên 12 tháng 6,8%/năm.
Dẫn đầu mức lãi suất thấp nhất thị trường và trong nhóm Big 4 là Agribank khi kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,4%/năm; 3-5 tháng 4,1%/năm; 12 tháng 6,3%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn thấp nhất của Argribank còn 3,4%/năm. |
Các ngân hàng thương mại tư nhân đều điều chỉnh kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,75%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, các ngân hàng còn điều chỉnh giảm các kỳ hạn trên 6 tháng.
Cụ thể, PVCombank giảm mạnh 0,5% các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Kỳ hạn 6 tháng còn 7%/năm; 7,3%/năm cho kỳ hạn 7-8 tháng. Lãi suất 7,4%/năm là kỳ hạn 9-10 tháng; 7,5%/năm kỳ hạn 11 tháng; 7,7%/năm kỳ hạn 12 tháng; và 7,8%/năm các kỳ hạn trên 12 tháng.
NamA Bank giảm từ 0,1-0,3% lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Kỳ hạn 6-9 tháng còn 7,6%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12-14 tháng giảm nhẹ 0,1%/năm còn 7,7%/năm. Mức giảm tương tự cũng đã đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 15 tháng trở lên về mức 7,5%/năm.
BacA Bank giảm 0,1% tiền gửi các kỳ hạn 6 tháng đến 15 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 6-8 tháng tại ngân hàng này là 7,6%/năm. Kỳ hạn 9-11 tháng là 7,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 7,8%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng 7,85%/năm. Riêng tiền gửi các kỳ hạn 18 tháng trở lên điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm còn 7,9%/năm.
BaoViet Bank cũng vừa giảm lãi suất lần thứ 2 trong tháng. Mức giảm cụ thể lên đến 0,5%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 7%/năm; kỳ hạn 7-11 tháng còn 7,1%/năm.
OCB cũng giảm lãi suất lần thứ 2 với mức giảm mạnh 0,5%. Tại kỳ hạn 6-9 tháng còn 7,4%/năm. Kỳ hạn 12-15 tháng còn 7,6%/năm. Các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên được giảm 0,2% còn 7,4%/năm.
VietA Bank cũng giảm lần lãi suất lần thứ hai với mức giảm 0,2% các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng còn 7,4%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng 7,6%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng được ngân hàng giảm về mức 4,6%/năm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 giảm lãi suất điều hành 0,25-0,5% áp dụng từ ngày 19/6. Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính - cho biết, việc giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 là xu hướng giảm mặt bằng lãi suất như tất yếu. Như vậy, các ngân hàng "yên tâm" hạ lãi suất huy động và cho vay. Trước đây, các ngân hàng chưa dám hạ ngay lãi suất cho vay dù đã giảm lãi suất huy động bởi còn lo lắng vì lãi suất thế giới tăng. Tuy nhiên, với lần điều chỉnh giảm lãi suất lần thứ 4 này của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng sẽ nhanh chóng giảm cả lãi suất huy động và cho vay.
Theo ông Thịnh, với lãi suất điều hành hiện nay được đánh giá "ổn" nhưng vẫn có khả năng giảm tiếp trong thời gian tới. “Với lần hạ này, mặt bằng lãi suất có thể hạ vào hết quý III năm nay và bằng cuối năm 2019”, ông Thịnh nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh hạ lãi suất, các ngân hàng nên hạ chuẩn điều kiện vay để doanh nghiệp dễ vay, ông Thịnh nêu quan điểm bản thân ngân hàng là doanh nghiệp nên điều kiện cho vay không thể hạ thấp. Nếu hạ chuẩn điều kiện vay sẽ dễ phát sinh nợ xấu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được vấn đề làm sao có tài sản đảm bảo, cơ cấu trả nợ để không rơi vào nợ xấu...
“Ngân hàng chỉ nên đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp vay chứ không nên hạ điều kiện vay”, ông Thịnh khẳng định.