Bản nhỏ trên núi cao có mấy mươi gia đình người Mông sinh sống, từ lâu đã danh tiếng là điểm đến thú vị ở Tây Bắc bởi vườn chè cổ san tuyết có một không hai. Nhà sàn lãng đãng mây quẩn xuống sân thềm, những cây trà cổ điểm xuyết khắp nơi ven đường bê tông vào bản. Dăm bảy quán trà như nhà Xá, khách vào nhà ai cũng được mời uống miễn phí thoải mái.
“Ấm chè Suối Giàng”, ý tưởng của ông Hoàng Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khi đi dự một cuộc triển lãm ở Sài Gòn, rằng chè ngon nổi tiếng Suối Giàng phải được chính bàn tay cô gái Mông trên đỉnh Suối Giàng pha rót mời khách, thành hiện thực. Khách đến mua cân chè làm quà về xuôi, từ một đến ba triệu đồng/kg, loại thường cũng ba trăm ngàn/kg.
Thổ nhưỡng kỳ lạ ẩm mát quanh năm ban tặng người Mông trên đỉnh núi cao hơn 1.300m giống chè quý báu. Người Mông nấu lá chè xanh trong cái nồi to với nước từ núi đá chảy ra, lấy bát múc uống hằng ngày. Có lẽ chất chè quý báu ấy khiến cả bản này chưa có ai mắc bệnh nan y. Quán gỗ nhỏ xinh của Lờ A Sênh nép ngay lối vào vườn trà cổ, có ngày cả trăm khách vào thưởng trà… miễn phí.
Nam thanh nữ tú làm dáng trong vườn chè cổ với váy áo người Mông nhà Sênh cho thuê chụp ảnh lưu niệm. Khách đến thăm trà cổ Suối Giàng đông lắm, ra về mỗi người mua một gói nhỏ mà làm thay đổi kinh tế ở cái xã có đến 98% người Mông này (xã 3.000 dân, 90% diện tích trồng chè).
Từ 150 hộ có cây chè cổ, diện tích vùng chè quý chỉ khoảng vài trăm ha (không nhân rộng vì sợ làm “loãng” chất chè ngon đặc sản), nay “Ấm chè Suối Giàng” và con đường bê tông cho xe ô tô chạy lên tận vườn chè cổ, bắt đầu làm thay đổi đời sống dân bản. Câu ví đau lòng thuở nao “Bao giờ Nghĩa Lộ có kem, Suối Giàng có điện thì em lấy chồng” giờ đã là cổ tích. Nhà Xá, nhà Sênh và hàng trăm hộ trong xã Suối Giàng đã có của ăn của để, xây nhà to và mua sắm vật dụng đắt tiền.
Hằng năm Lễ cúng cây chè cổ (đầu tháng Giêng) được người Mông Suối Giàng tri ân kính lễ. Bàn thờ đặt ngay chân gốc chè, có con gà trống do hai thanh niên trẻ dâng lên cho thầy cúng cắt tiết hóa kiếp, trong một nghi thức tâm linh trang trọng, cầu cho những cây “chè thần” tươi tốt, ra nhiều búp non. Rồi thầy mời dân bản ra vườn chè cổ, hái chè xuân, hưởng lộc.
Ông Trần Văn Mộc – Bí thư Huyện ủy Văn Chấn: “Gần 5.000ha chè với sản lượng búp tươi lên đến 45.000 tấn cho thấy nỗ lực của đất và người Văn Chấn quyết tâm thoát nghèo từ cây chè, mang lại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm ở vùng đất có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống”.