THẾ GIỚI 24H: Ukraine muốn Mỹ, EU giúp lấy lại Crimea

Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) muốn Mỹ giúp đỡ giành lại bán đảo Crimea. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) muốn Mỹ giúp đỡ giành lại bán đảo Crimea. Ảnh: AP
TPO - Ngày 14/1, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố muốn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ giúp giành lại quyền kiểm soát Crimea từ tay Nga, đồng thời cam kết khôi phục chủ quyền tại khu vực miền Đông ly khai trong năm 2016.

Trong cuộc họp báo đầu tiên năm 2016 tại Kiev, Tổng thống Poroshenko nói: "Trước tiên là đảm bảo hòa bình và, tôi nhấn mạnh, sự trở lại của Ukraine ở Donbass. Trong năm 2016 phải khôi phục chủ quyền của Ukraine tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thuộc tỉnh Donetsk và Lugansk". Ông khẳng định cuộc đấu tranh đòi lại Crimea cũng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và Kiev muốn thành lập một cơ chế quốc tế để chấm dứt việc chiếm đóng bán đảo này, với sự tham gia của các đối tác EU, Mỹ.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tố cáo giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã tự hạ mình bằng những thủ đoạn bẩn thỉu khi cáo buộc Nga giết hại hàng loạt phụ nữ và trẻ em Syria vô căn cứ. Bà Zakharova nêu rõ: "Chúng tôi không thể không chú ý tới việc các đại diện cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thực hiện những tuyên bố nhằm bôi nhọ Nga trong con mắt cộng đồng quốc tế. Cụ thể là (Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp tục đưa ra những cáo buộc rằng hoạt động không kích của Lực lượng Không quân vũ trụ Liên bang Nga gây thiệt hại cho dân thường Syria".


Điện Kremlin đã được phép triển khai các đơn vị thuộc Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga ở Syria không xác định thời hạn theo các điều khoản trong thỏa thuận mà Moscow và Damascus từng ký ngày 26/8/2015. Theo thỏa thuận trên, nếu một trong hai bên muốn chấm dứt thì phải thông báo cho bên kia bằng văn bản. Sau đó, thỏa thuận sẽ có hiệu lực thêm 1 năm.


Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan (NSC), Đại tướng Thawip Netniyom đã nhận định rằng vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Jakarta của Indonesia cùng ngày cho thấy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tăng cường hoạt động ở khu vực Đông Nam Á và do vậy các nước trong khu vực cần phải đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo để đối phó mối đe dọa này.


Đài truyền hình Kompas của Indonesia tối 14/1 đưa tin một loạt tiếng nổ mới đã được nghe thấy tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta, gần khu vực xảy ra một loạt vụ đánh bom. Hiện chưa rõ nguyên nhân của những tiếng nổ mới này.


Ngày 14/1, cảnh sát Malaysia đã nâng cảnh báo an ninh quốc gia lên mức cao nhất trong bối cảnh vừa xảy ra vụ đánh bom vào trưa cùng ngày tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Tổng Thanh tra cảnh sát Hoàng gia Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết các biện pháp an ninh tăng cường đã được áp dụng tại các địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm và các điểm du lịch. Trong khi đó, lực lượng an ninh Philippines đã bày tỏ quan ngại về một mối đe dọa khủng bố “đang nổi lên”.


Ngày 14/1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết lực lượng bộ binh nước này đã nã pháo 500 lần vào các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq để trả đũa vụ đánh bom liều chết vừa qua tại Istanbul được cho là do nhóm này thực hiện. Khoảng 200 phiến quân IS đã thiệt mạng. Ông Davutoglu cũng tuyên bố Ankara sẵn sàng mở các chiến dịch không kích nếu cần thiết, đồng thời sẽ duy trì sự quyết tâm cho đến khi IS rời khỏi các khu vực biên giới của nước này.


Ngày 14/1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết lực lượng Không quân nước này tiếp tục tiến hành các đợt không kích nhằm vào các vị trí phiến quân IS tại Iraq và Syria. Đặc biệt, các máy bay ném bom của Không quân Pháp trong đêm trước đó đã lần đầu tiên không kích IS ở khu vực ngoại vi thành phố Mosul của Iraq. Theo Bộ trưởng Le Drian, Không quân Pháp đã tiến hành các đợt không kích nhằm vào một trung tâm liên lạc và một trung tâm tuyên truyền của IS ở khu vực Mosul.


Liên minh châu Âu (EU) hôm 14/1 thông báo đã gia hạn thêm 2 tuần đối với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran. Trong thông cáo của mình, EU cho biết Hội đồng châu Âu kéo dài cho đến ngày 28/1 tới việc tạm ngừng một số biện pháp trừng phạt hạn chế nhằm vào Iran như dự kiến trong thỏa thuận liên quan đến đàm phán hồi tháng 11/2013. 


Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo dịch bệnh do virus Ebola gây ra vẫn có khả năng bùng phát trở lại tại khu vực Tây Phi trong năm tới, cho dù khu vực này đã xóa sổ được dịch khi Liberia trở thành quốc gia Tây Phi cuối cùng tuyên bố chấm dứt dịch Ebola sau hơn hai năm bùng phát. Ngày 14/1, Bộ Y tế Liberia tuyên bố hết dịch Ebola ở nước này sau khi qua thời hạn 42 ngày không có trường hợp nhiễm bệnh mới. 

MỚI - NÓNG