THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Nga – Mỹ thảo luận kín về Syria

Nguyên thủ Nga - Mỹ có cuộc thảo luận kín về tình hình Syria, Ukraine tại Paris, Pháp. Ảnh: Reuters
Nguyên thủ Nga - Mỹ có cuộc thảo luận kín về tình hình Syria, Ukraine tại Paris, Pháp. Ảnh: Reuters
TPO - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề COP21 tại Paris. Hai bên thảo luận kín về cuộc khủng hoảng Syria cũng như tình hình Ukraine.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Obama đã nói với ông Putin rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần phải từ bỏ quyền lực như một phần của quá trình chuyển tiếp chính trị. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh cần có một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể được rút lại nếu Moskva tuân thủ thỏa thuận Minsk.


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga là để bảo vệ nguồn cung cấp dầu mỏ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cho Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-21), Tổng thống Putin nêu rõ: "Chúng tôi có đầy đủ lý do để tin rằng (Thổ Nhĩ Kỳ) quyết định bắn hạ máy bay của chúng tôi xuất phát từ ý định bảo vệ các nguồn cung dầu mỏ tới lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ". Ông Putin cũng cho rằng việc bắn hạ máy bay Su-24 là "một sai lầm lớn."


Các máy bay cường kích Su-34 của Nga đã lần đầu tiên thực hiện sứ mệnh bay ở Syria khi trang bị tên lửa không đối không nhằm mục đích tự vệ. Các tên lửa không đối không này có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cách xa tối đa 60 km. Thông báo này được đưa ra chưa đầy 1 tuần sau khi một cường kích Su-24 của Nga bị máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở gần biên giới với Syria.


Ít nhất 2 tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại khu vực Nga bố trí tuần dương hạm yểm trợ căn cứ không quân Hmeymim ở thành phố Latakia của Syria. Theo dữ liệu của Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ, hiện tại các tàu ngầm Dolunai và Burakreis đang tiến hành tuần tra ở phần Đông Địa Trung Hải. Tàu ngầm Dolunai bắt đầu tuần tra khu vực này hôm 11/11, còn Burakreis từ ngày 7/11.


Syria tuyên bố chưa từng sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua, đồng thời khẳng định đang hợp tác đầy đủ với Tổ chức cấm vũ khí hóa học trong việc tiêu hủy kho vũ khí độc hại của mình. Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Moqdad nói: "Chúng tôi muốn trình bày rõ ràng tại đây rằng chúng tôi chưa từng sử dụng hóa chất clo hay bất cứ hóa chất độc hại nào khác trong mọi vụ việc hoặc trong bất cứ chiến dịch nào khác ở nước Cộng hòa Arập Syria kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng và cho tới tận thời điểm này".


Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 30/11 cho biết, nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết 18 binh sỹ quân đội Syria tại thành phố cổ Palmyra, Đông Bắc nước này. Theo SOHR, IS đã thông báo với người dân Palmyra rằng chúng sẽ hành quyết nhóm binh sỹ trên do họ tham gia "quân đội vô đạo" của chính quyền Syria. Các binh sỹ bị IS bắt giữ khi giao tranh với nhóm phiến quân này ở Palmyra.


Trung Quốc đã kết án từ 3-5 năm tù giam đối với 14 người liên quan đến vụ nổ đường ống dẫn dầu ngày 22/11/2013 làm 63 người thiệt mạng tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Theo tòa án nhân dân quận Hoàng Đảo thuộc thành phố Thanh Đảo, vụ nổ còn làm 156 người khác bị thương và gây thiệt hại 751,72 triệu nhân dân tệ (khoảng 123 triệu USD). Báo cáo điều tra cho biết nguyên nhân trực tiếp của tai nạn là do nhân viên bảo trì tiến hành khoan cắt, làm bắn tia lửa và gây ra nổ đường ống dẫn dầu của công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec. 


Sáng 30/11, hai thủ lĩnh chủ chốt của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) - cánh chính trị của phe Áo Đỏ đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ khi đang trên đường đến công viên Rajapakti ở tỉnh Prachuab Khiri Khan, nơi đang là tâm điểm của một vụ bê bối tham nhũng. Trước đó, hai nhân vật này tuyên bố sẽ đến công viên Rajapakti - nơi đang bị phe Áo Đỏ tố cáo là có các vụ tham nhũng trong dự án xây dựng tượng đài một số vị vua của Thái Lan. 


Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Quyết định này đã đưa nhân dân tệ vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, hiện tại gồm USD, euro, đồng bảng Anh và yen Nhật. Khi đồng nhân dân tệ được đưa vào SDR, đây sẽ là bước đột phá đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu, trong khi vị thế của nước này trên các thị trường tài chính sẽ được củng cố và có uy tín hơn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.