THẾ GIỚI 24H: Quan hệ căng thẳng, Nga trục xuất 9 nhà ngoại giao Phần Lan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quan hệ Nga-Phần Lan căng thẳng sau khi Phần Lan gia nhập NATO hồi tháng Tư, đánh dấu việc nước này từ bỏ chính sách không liên minh quân sự kéo dài hàng thập kỷ.

Ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trục xuất 9 nhà ngoại giao Phần Lan, thành viên mới nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là láng giềng của Nga, trong động thái “ăn miếng trả miếng” về ngoại giao. Bên cạnh đó cơ quan đại diện ngoại giao của Phần Lan tại St. Petersburg sẽ bị đóng cửa từ ngày 1/10 tới. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu Đại sứ Phần Lan để phản đối “lập trường chống Nga của Helsinki”. Tháng trước, Phần Lan thông báo đã trục xuất 9 nhà ngoại giao Nga, cáo buộc những người này thực hiện các nhiệm vụ tình báo.


Phần Lan phản ứng trước quyết định của Nga trục xuất 9 nhà ngoại giao. Ngay khi thông báo trục xuất được công bố, Phần Lan cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ngay lập tức mô tả động thái mới nhất này của Nga là "phản ứng cứng rắn và không tương xứng với quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga mà Phần Lan đưa ra hồi tháng trước". Theo nhà lãnh đạo Phần Lan, nước này đang chuẩn bị đáp trả bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Turku. Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cũng vừa khẳng định trước báo giới tại Helsinki rằng đất nước của ông có nghĩa vụ bắt đầu chuẩn bị cho các biện pháp đáp trả tương tự đối với Nga.


Nga và Ukraine thông báo tiến hành đợt trao đổi tù binh mới. Ngày 6/7, hãng thông tấn RIA dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga xác nhận phía Ukraine đã trao trả 45 binh sỹ Nga. Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Sau quá trình đàm phán, ngày 6/7, 45 quân nhân Nga đã được trả về từ lãnh thổ do chính quyền Kiev kiểm soát". Theo thông báo, máy bay vận tải quân sự của Nga đưa những người được trả tự do đến các cơ sở y tế thuộc Bộ Quốc phòng nước này để điều trị và phục hồi chức năng. Ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết 45 binh sỹ Ukraine và 2 dân thường cũng đã được phía Nga trao trả cho Ukraine.


Hàn Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái (UAV). Yonhap đưa tin, ngày 6/7, giới chức Hàn Quốc cho biết nước này có kế hoạch lần đầu tiên ra mắt hệ thống phòng thủ tích hợp để chống lại UAV của đối phương tại các cơ sở của quân đội và chính phủ. Gần đây, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc đã thông báo về dự án trị giá 48,5 tỷ won (37,2 triệu USD) để mua hệ thống chống UAV mới.


Các nghị sĩ Pháp kêu gọi cấm TikTok. Ngày 6/7, các nghị sĩ Pháp kêu gọi chính phủ cấm TikTok nếu nền tảng chia sẻ video này không làm rõ cơ cấu quản lý hiện nay. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng mạng xã hội là nơi "tiếp tay" cho các vụ bạo loạn trong gần một tuần qua.


Tổng thống Ukraine tới Praha để hội đàm với các quan chức đứng đầu của Séc. Tối 6/7, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã đến Cộng hòa Séc và sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Séc Petr Pavel và Thủ tướng Petr Fiala. Các cuộc đàm phán hai bên sẽ bao gồm nhiều chủ đề trong đó nổi bật là các vấn đề quốc phòng an ninh và một số nội dung liên quan tới hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Litva, vấn đề hội nhập châu Âu của Ukraine, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và các nỗ lực tái thiết ở Ukraine.


Bộ trưởng Tài chính Mỹ tới Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ. Ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ song phương trong bối cảnh hai nước đang có nhiều bất đồng về kinh tế. Theo giới quan sát, các chuyến đi này dường như nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong chuyến thăm này, bà Yellen sẽ mở rộng các kênh liên lạc, tránh hiểu nhầm và tăng cường phối hợp về một số chủ đề liên quan đến kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, khủng hoảng nợ và nhiều vấn đề khác.


Tổng thống Belarus sẵn sàng làm trung gian cho hòa đàm Nga-Ukraine. Theo hãng tin TASS, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 6/7 tuyên bố ông sẵn sàng làm trung gian cho cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine nếu Moscow và Kiev thấy cần thiết. Trong bài phát biểu tại Minsk, ông Lukashenko cho rằng cuộc đàm phán về Ukraine đã đi vào ngõ cụt nhưng vẫn có cơ hội tìm ra giải pháp. Theo ông, cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine có thể bắt đầu diễn ra vào mùa Thu. Hiện cả Nga và Ukraine chưa đưa ra bình luận trước thông tin trên.

MỚI - NÓNG