Cảnh sát Pháp đã bắt giữ hơn 2.400 người sau 5 ngày bạo loạn. Ảnh: Reuters |
Tình hình ở Pháp đêm qua đã dịu hơn so với 4 ngày trước đó nhưng vẫn còn một số căng thẳng ở trung tâm thủ đô Paris và các vụ đụng độ lẻ tẻ ở các thành phố khác. Cảnh sát cho biết khoảng 200 người bị bắt trên toàn quốc trong ngày 1/7, 1.311 người bị bắt vào đêm 30/6, đêm trước đó nữa gần 900 người bị bắt. Tổng cộng hơn 2.400 người đã bị bắt sau 5 ngày bạo loạn. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng hơn 700 cửa hàng, siêu thị, nhà hàng và ngân hàng đã bị “lục soát, cướp bóc và thậm chí bị thiêu rụi kể từ ngày 27/6”. Chính quyền các địa phương trên cả nước tuyên bố cấm biểu tình và ra lệnh ngừng các phương tiện giao thông công cộng vào buổi tối. Tại Lyon, cảnh sát đã triển khai các xe bọc thép chở quân và một máy bay trực thăng.
Tổng thống Pháp hoãn chuyến thăm Đức do biểu tình trong nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 2/7, do tình hình biểu tình bạo lực trong nước. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Đức nêu rõ: “Tổng thống Pháp Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và thông báo về tình hình tại Pháp. Ngài Macron đề nghị hoãn chuyến thăm Đức đã được lên kế hoạch.” Phía Chính phủ Pháp cũng đã xác nhận thông tin trên.
Iraq và Liên Hợp Quốc thảo luận về vụ đốt kinh Koran tại Thụy Điển. Phó Thủ tướng Iraq Fuad Hussein ngày 1/7 đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về vụ việc đáng lo ngại liên quan đến vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển, cũng như các phản ứng của Iraq và thế giới Hồi giáo. Cuộc điện đàm tập trung vào “hành động xâm phạm kinh Koran của một cá nhân người Iraq đang cư trú tại Thụy Điển vừa qua”. Ông Fuad Hussein cũng nhấn mạnh rằng “những hành động như vậy sẽ tạo ra vô số mâu thuẫn giữa thế giới Hồi giáo và các xã hội châu Âu, làm gia tăng hiện tượng bài Hồi giáo, hệ tư tưởng cực đoan và khủng bố, gieo mầm cho những hành động thù hận và bạo lực trên thế giới".
Belarus đưa vào biên chế tiểu đoàn tên lửa S-400 thứ hai. Theo Bulgarian Military, ngày 1/7 Bộ Quốc phòng Belarus ra thông báo cho biết đã thành lập và đưa vào hoạt động thêm một tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-400. Thiếu tướng Andrey Lukyanovich, Tư lệnh Phòng không - Không quân Belarus, cho biết nhân sự tiểu đoàn S-400 mới được thành lập đã trải qua một quá trình huấn luyện nghiêm ngặt và chặt chẽ tại trường bắn Kapustin Yar ở Nga và hiện sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu khi cần thiết.
Israel: Biểu tình phản đối cải cách tư pháp tiếp tục tăng nhiệt. Các nhà tổ chức biểu tình ở Israel ngày 1/7 đã kêu gọi tăng cường các cuộc biểu tình trong mấy ngày tới. Đây là tuần thứ 26 liên tiếp nhiều người dân Israel xuống đường để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp do Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thúc đẩy.
Campuchia khởi động tổng tuyển cử. Trong ngày 1/7, 18 đảng chính trị đã đăng ký tham gia cuộc tổng tuyển cử lần thứ 7 của Campuchia bắt đầu công bố chương trình nghị sự cho cử tri cả nước. Thời gian tranh cử kéo dài từ ngày 1 đến ngày 21/7 trong khi ngày bỏ phiếu được ấn định vào 23/7, theo trang Khmer Times. Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), tổng cộng có hơn 9,7 triệu cử tri hợp lệ sẽ bỏ phiếu tại gần 24.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước có 16 triệu dân này.
Động thái mới của Nga nhằm vào thủ lĩnh Wagner. RT hôm 1/7 đưa tin, Roskomnadzor (RKN) – Cơ quan quản lý truyền thông Nga – đã chặn truy cập nhiều kênh truyền thông liên quan đến ông Prigozhin và lực lượng Wagner. Quyền truy cập vào trang tin RIA FAN và nhiều kênh truyền thông khác của Tập đoàn truyền thông Patriot (Patriot media group) do ông Prigozhin sáng lập đã bị chặn. Tương lai Tập đoàn Patriot cũng trở nên bấp bênh.