THẾ GIỚI 24H: Nga phản ứng dữ dội động thái của NATO

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov. Nguồn: kyivpost.com.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov. Nguồn: kyivpost.com.
TPO - "NATO hạn chế quy mô phái bộ Nga là lặp lại Chiến tranh Lạnh'. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov tuyên bố một động thái của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm hạn chế quy mô phái bộ ngoại giao Nga tại Brussels là lặp lại Chiến tranh Lạnh.

Được hãng thông tấn RIA dẫn lời, ông Meshkov nói: "Đó là quyết định rất bất thường và sặc mùi thời kỳ Chiến tranh Lạnh." Tuyên bố trên của ông Meshkov ám chỉ tới một quyết định nằm trong các bước đi của NATO nhằm hạn chế quy mô của các phái bộ ngoại giao khác tại Brussels, Bỉ.


Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/4 chỉ trích Mỹ và NATO đang tìm cách tạo ra các lý do mới cho chương trình phòng thủ tên lửa đặt tại châu Âu. Việc Mỹ và NATO không hề xem xét đến tiến triển trong giải quyết cuộc khủng hoảng - liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cho thấy, tuyên bố lá chắn tên lửa châu Âu không nhằm vào Nga là không thuyết phục. 

Nga cho rằng, các cáo buộc về mối đe dọa Iran mà Mỹ và NATO thường xuyên công bố chỉ là vỏ bọc trong khi mục tiêu đằng sau của việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu là hoàn toàn khác. Tuyên bố này của NATO khiến căng thẳng giữa tổ chức này với Nga đứng trước nguy cơ leo thang, khi Moscow thường xuyên cáo buộc các chuyến bay đã vi phạm không phận và là hành động mang tính khiêu khích.


Theo AP và TASS, ngày 10/4, một quan chức tình báo cấp cao của Nga cảnh báo về ảnh hưởng tiềm tàng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đối với nước này. Truyền thông Nga dẫn lời Tướng Sergei Smirrnov, Phó Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cho biết IS “đang bắt đầu xâm nhập vào các tổ chức khủng bố” tập trung vào hoạt động ở khu vực Bắc Kavkaz có đa số người Hồi giáo sinh sống của Nga. Vị quan chức này cũng cho biết các cơ quan tình báo Nga ước tính có khoảng 1.700 công dân Nga đang chiến đấu bên cạnh IS tại Syria và Iraq song lưu ý rằng con số này có thể còn cao hơn.


Quốc hội Pakistan ngày 10/4 đã thông qua nghị quyết, kêu gọi Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngừng chiến dịch quân sự chống nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite Houthi tại Yemen. Nghị quyết của Quốc hội Pakistan nêu rõ nước này sẽ đóng vai trò trung gian và không tham gia liên minh quân sự chống nhóm phiến quân Houthi như Saudi Arabia đề nghị, song cam kết sẽ ủng hộ Saudi Arabia nếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Riyadh bị đe dọa.

Nghị quyết khẳng định Islamabad "quan ngại sâu sắc tình hình ở Yemen do cuộc khủng hoảng có thể gây mất ổn định khu vực" và nước này ủng hộ các nỗ lực của khu vực và quốc tế nhằm đạt được giải pháp hòa bình đối với cuộc khủng hoảng ở Yemen. Nghị quyết cũng hối thúc tất cả các bên liên quan ở Yemen giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi trợ giúp nhân đạo đối với những người bị ảnh hưởng ở Yemen.


Ngày 10/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nước này đã ra lệnh cấm đi lại đối với hơn 12.500 chiến binh nước ngoài và trục xuất 1.200 người muốn gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Phát biểu tại một buổi lễ của chương trình đào tạo các nhà ngoại giao nước ngoài, ông Cavusoglu nói lệnh cấm áp dụng đối với phần lớn các chiến binh nước ngoài này được thực hiện nhờ thông tin tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải đến từ các quốc gia quê nhà của các chiến binh nói trên. 


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 10/4 khẳng định Mỹ đang chuyển qua châu Á các loại vũ khí tối tân nhất, trong đó có loại máy bay ném bom tàng hình và các đơn vị chuyên trách chiến tranh tin học. 

Theo chương trình chính thức, ông Carter đã có một loạt tiếp xúc với đối tác Hàn Quốc trong vấn đề phòng thủ trong bối cảnh hai nước vừa khởi động cuộc tập trận không quân kéo dài hai tuần với sự tham gia của hàng trăm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, huy động 1.400 binh sỹ từ cả hai bên. Phát biểu trước binh sỹ Mỹ tại căn cứ không quân Osan, Bộ trưởng Carter xác nhận châu Á là nơi mà Mỹ đang triển khai các loại vũ khí “tối tân và hiệu quả nhất." 


Ngày 10/4, các đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 4 ngày tại thủ đô Moskva (Nga) với lời kêu gọi của phe đối lập Syria tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ 3 do Liên hợp quốc bảo trợ, nhằm tìm lối thoát cho cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua tại Syria. 

Theo hãng tin AP của Mỹ, hiện chưa rõ cuộc đàm phán lần này có đạt được tiến bộ nào hay không. Dự kiến, các đại diện của Chính phủ Syria và nước trung gian Nga sẽ có các cuộc họp báo riêng trong ngày 10/4 để thông báo kết quả vòng đàm phán này.


Các nước Bắc Âu cam kết tăng cường hợp tác quân sự để đối phó các thách thức an ninh ở châu Âu. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp ở Oslo, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy cùng những người đồng cấp Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Ngoại trưởng Iceland khẳng định tình hình an ninh ở châu Âu xấu đi nghiêm trọng trong năm vừa qua sau khi xảy ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Các nhà lãnh đạo này cho rằng, các nước Bắc Âu phải sẵn sàng đối phó với nguy cơ khủng hoảng có thể xảy ra. Hợp tác quân sự giữa các nước Bắc Âu sẽ bao gồm các cuộc tập trận chung, trao đổi thông tin tình báo và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.


Ngày 10/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Pháp nhằm tạo ra một bước tiến lịch sử trong quan hệ hai nước. Ông Narendra Modi sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm tạo ra "hợp đồng thế kỷ" giữa hai nước trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, hạt nhân dân sự, công nghệ vũ trụ...

Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, nội dung đáng chú ý nhất trong cuộc hội đàm là đề xuất của Ấn Độ mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Thông qua việc hợp tác với Pháp, Ấn Độ muốn hiện đại hóa lực lượng quân sự quốc gia, nhất là đối với lực lượng không quân hiện đang sở hữu các trang thiết bị được cho là đã lỗi thời.


Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đã hạ mức tín nhiệm tín dụng của Ukraine thêm một mức xuống còn CC, xuất phát từ việc Kiev có ý định tái cấu trúc khoản nợ nước ngoài của nước này.  Hãng trên cho biết: “Chúng tôi sẽ đánh giá việc tái cấu trúc khoản nợ bằng ngoại tệ của Ukraine tương đương việc vỡ nợ. Chúng tôi sẽ hạ mức xếp hạng việc cấp tín dụng bằng ngoại tệ cho Ukraine từ mức CCC- xuống CC," với một triển vọng tiêu cực. Chính phủ Ukraine đã bắt đầu đàm phán với các chủ nợ về việc giảm khoản nợ trị giá 15 tỷ USD, một phần của gói cứu trợ tài chính 40 tỷ USD kéo dài bốn năm do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp. 

MỚI - NÓNG