Theo quyết định của Quốc hội nước này được đăng tải trên tờ Tiếng nói Ukraine ngày 8/4 và do đó đã có hiệu lực chính thức, quy chế tự quản đặc biệt được trao cho các vùng trong danh sách kèm theo gồm những điểm nóng như Shirokino, nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk ngày 5/9/2014, Biên bản ghi nhớ Minsk ngày 19/9/2014 và Giải pháp tổng thể ngày 12/2/2015, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/2/2015, cũng như chiểu theo luật Ukraine "về quy chế tự quản đặc biệt tại một số vùng của Donbass”.
Cấp quy chế đặc biệt cho vùng Donbass là một trong 13 bước đi cụ thể trong Giải pháp tổng thể được Nhóm tiếp xúc ba bên (Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE) ký ngày 12/2 vừa qua để giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Hàng trăm người kéo đến trụ sở quốc hội Ukraine tại thủ đô Kiev để phản đối tình trạng tham nhũng tràn lan. Họ cũng đòi thành lập một ủy ban quốc hội để điều tra tình trạng tham nhũng trong nội các, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk từ chức, ít ra là tạm thời, vì tin rằng ông này sẽ tìm mọi cách để tác động cuộc điều tra.
Hầu hết người biểu tình là người ủng hộ Đảng Svoboda theo đường lối dân tộc. An ninh được thắt chặt quanh trụ sở quốc hội, nơi các nghị sĩ đang nhóm họp. Bên trong phòng họp, một nhóm nghị sĩ phong tỏa diễn đàn để đòi điều tra nội các của ông Yatsenyuk. Ông Serhiy Kaplin, nghị sĩ đến từ Đảng Khối Petro Poroshenko, cho biết đã thu thập hơn 20.000 chữ ký về vấn đề lập ủy ban điều tra nói trên.
Chính phủ Bulgaria ngày 8/4 đã phê chuẩn việc triển khai Đơn vị lực lượng hỗn hợp NATO (NFIU) tại lãnh thổ nước này trong khuôn khổ Chương trình Đầu tư An ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Trong một thông cáo báo chí, cơ quan thông tin Chính phủ Bulgaria cho hay NFIU sẽ có trách nhiệm chỉ huy và kiểm soát ở cấp tiểu đoàn, huấn luyện các đơn vị, chuẩn bị và duy tu bảo dưỡng các cơ sở cũng như trang thiết bị nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị. Thông cáo nêu rõ: "Nhiệm vụ chính của NFIU tại Bulgaria là đảm bảo hoạt động triển khai kịp thời cũng như tập hợp các binh sỹ và lực lượng của NATO trong trường hợp tình hình leo thang".
Ngày 8/4, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã kêu gọi nỗ lực hơn nữa để thống nhất với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ giữa hai miền hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Hãng tin Yonhap trích dẫn một bài viết của bà Park gửi tới Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc có đoạn: “Thống nhất không còn là một giấc mơ mà là một nhiệm vụ mà chúng ta phải hoàn thành trong thời đại hiện nay."
Truyền thông Iran đưa tin ngày 8/4, Tehran đã điều 2 tàu hải quân tới vịnh Aden và eo biển Bab al-Mandab để bảo vệ an toàn tàu thuyền của nước này.
Dẫn lời Thiếu tướng Hải quân Habibollah Sayyari, kênh truyền hình Press TV xác nhận tàu hậu cần Bushehr và tàu khu trục Alborz đã nhổ neo từ thành phố cảng miền Nam Bandar Abbas, tỉnh Hormozagan, để thực hiện sứ mệnh bảo vệ tàu thuyền của Iran trước nạn cướp biển. Thiếu tướng Sayyari cho biết các tàu của Iran sẽ tuần tra trên vịnh Aden, phía Nam Yemen và Biển Đỏ, đồng thời khẳng định Hải quân Iran sẽ tuân thủ luật quốc tế khi thực hiện sứ mệnh này.
Ngày 8/4, nhóm thánh chiến Hezb-e-Islami Gulbuddin hoạt động tại Afghanistan đã cam kết sẽ phái "hàng nghìn" tay súng tới Yemen để hỗ trợ Saudi Arabia chống lực lượng phiến quân Houthi dòng Hồi giáo dòng Shi'ite.
Trong một tuyên bố được đăng trên mạng Internet, thủ lĩnh nhóm Hezb-e-Islami Gulbuddin đồng thời là cựu Thủ tướng Afghanistan, ông Gulbuddin Hekmatyar tuyên bố: "Nếu có bất kỳ cơ hội nào tới Iraq và Yemen, hàng nghìn mujahideen (du kích Hồi giáo) sẵn sàng tới đó để đối phó với hành động can thiệp của Iran và bảo vệ những người anh em Hồi giáo của mình."
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Hy Lạp, Serbia, Macedonia, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” từ Nga tới các quốc gia châu Âu thay cho dự án “Dòng chảy phương Nam” trước đó.
Theo đó, các quốc gia trên đã ký tuyên bố chung về việc “hợp tác thực hiện đã dạng hóa nguồn cung khí đốt khả thi về mặt tài chính” để vận chuyển khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Nhà thầu chính của dự án này là Tập đoàn Gazprom (Nga) và các đối tác đến từ nước ủng hộ dự án. Tuy nhiên, các nước hiện vẫn chưa xác định tổng mức chi phí của dự án.
Bloomberg hôm 8/4 đưa tin Royal Dutch Shell (Hà Lan) đã đề nghị mua BG Group (Anh) với giá 47 tỉ bảng, tương đương 69,6 tỉ USD, bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.
Ngay sau thông tin này, cổ phiếu BG tăng 38% tại London, trong khi Shell trượt 6%. Bloomberg trích dẫn dữ liệu cho hay thương vụ sáp nhập giữa Shell, tập đoàn thăm dò dầu khí lớn nhất châu Âu tính theo giá trị thị trường và BG Group, hãng năng lượng lớn thứ ba của Anh, sẽ là thương vụ M&A lớn nhất thuộc ngành năng lượng trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ngày 8/4, giá dầu trên thị trường châu Á giảm do làn sóng bán ra chốt lời sau khi giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch trước đó và các nhà đầu tư dự đoán dự trữ dầu mỏ hàng tuần của Mỹ sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, trong phiên giao dịch buổi chiều trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2015 giảm 1,01 USD xuống 52,97 USD một thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 86 xu xuống 58,24 USD một thùng.