THẾ GIỚi 24H: Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với nhiều quyết định lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius (Litva) ngày 12/7, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg hoan nghênh việc các nhà lãnh đạo NATO đã đưa ra những quyết định quan trọng để điều chỉnh cơ chế hoạt động của liên minh cho tương lai.
THẾ GIỚi 24H: Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với nhiều quyết định lịch sử ảnh 1
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, ngày 11/7/2023. Ảnh: TTXVN

Các đồng minh đã nhất trí về kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn và tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo NATO cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này của khối mang tính “lịch sử” khi đạt được cam kết về triển vọng gia nhập liên minh của Ukraine, sự tham gia của thành viên thứ 31 là Phần Lan và sự nhất trí của Thổ Nhĩ Kỳ đối với yêu cầu gia nhập liên minh của Thụy Điển. Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần này, Mỹ và các đồng minh đã công bố các đảm bảo an ninh mới cho Ukraine trong khi chờ đợi thời điểm thuận lợi để quốc gia này gia nhập liên minh quân sự.


Nga, Trung Quốc phản ứng gay gắt với Hội nghị thượng đỉnh NATO. Ngày 12/7, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng các tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius cho thấy thái độ chống Nga và sự sẵn sàng triển khai thêm quân gần biên giới Nga của khối, theo TASS. Moscow cáo buộc NATO có thái độ chống Nga và tăng quân gần biên giới với Nga, trong khi đó Trung Quốc phản đối khả năng NATO mở rộng hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Antonov cáo buộc Mỹ gây ra cuộc chiến hỗn hợp khiến người dân phương Tây phải trả giá và nói rằng rất ít người trong hội nghị NATO quan tâm đến số phận của người dân Ukraine.


Nga: NATO đã quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh NATO chứng minh rằng, tổ chức cuối cùng đã quay trở lại các kế hoạch của Chiến tranh Lạnh, trên cơ sở hệ tư tưởng phân chia thế giới thành các nền dân chủ và chuyên quyền. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, “kết quả của hội nghị sẽ được phân tích cẩn thận, cân nhắc các thách thức và mối đe dọa đã xác định đối với an ninh và lợi ích của Nga”, để phản ứng kịp thời và phù hợp bằng mọi phương tiện và phương pháp hiện có. Ngoài các quyết định đã đưa ra, Nga sẽ tiếp tục củng cố tổ chức quân sự và hệ thống phòng thủ của đất nước”.


Triều Tiên xác nhận phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ngày 13/7, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 trong ngày hôm trước. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẽ có hành động tấn công quân sự cho đến khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.


Mỹ lên án mạnh mẽ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7 đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden đang đánh giá tình hình cùng với sự phối hợp của các đối tác và đồng minh của Mỹ. Tuyên bố của bộ Ngoại giao Mỹ lên án động thái của Triều Tiên là hành động vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đồng thời gia tăng căng thẳng và nguy cơ làm bất ổn tình hình an ninh trong khu vực.


Tin tặc tấn công tài khoản email của 25 tổ chức và cơ quan Chính phủ Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm qua cho biết, tin tặc đã tấn công các tài khoản email của 25 tổ chức và cơ quan chính phủ nước này. Theo ông Jake Sullivan, Chính phủ liên bang đã hành động nhanh chóng và tìm cách ngăn chặn các vụ vi phạm tiếp theo. Trong các tuyên bố riêng rẽ, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ cho biết, 2 cơ quan này nằm trong số những cơ quan bị ảnh hưởng.


G7 công bố cơ chế đa phương hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine. Ngày 12/7, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) công bố cơ chế khung quốc tế, mở đường cho việc đảm bảo an ninh dài hạn để tăng cường năng lực quốc phòng cho Ukraine. Ngược lại, Ukraine sẽ cam kết cải thiện các biện pháp quản trị, trong đó có thông qua các biện pháp cải cách tư pháp, kinh tế và cải thiện tính minh bạch.


NATO thông qua kế hoạch triển khai 100.000 quân tới Ba Lan nếu cần thiết. "Tôi có thể giải thích những gì được mong đợi: ví dụ nếu có một cuộc tấn công vào Cổng Brest (từ phía Brestav của Belarus), ngay lập tức khoảng 100.000 binh sĩ NATO sẽ được gửi đến lãnh thổ của chúng tôi để bảo vệ" - Tổng thống Ba Lan Duda nói sau khi kết thúc phiên họp Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius. Khoảng 10.000 binh sĩ NATO hiện đang đồn trú tại nước này, phần lớn thuộc lực lượng vũ trang Mỹ.


Bộ Quốc phòng Nga hoàn tất việc tiếp nhận vũ khí và thiết bị từ nhóm Wagner. Lực lượng Vũ trang Nga đang hoàn tất việc tiếp nhận vũ khí và thiết bị quân sự từ các đơn vị của tập đoàn Wagner theo đúng kế hoạch, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Tư. "Theo đúng kế hoạch, Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đang hoàn tất việc tiếp nhận vũ khí và thiết bị quân sự từ các đơn vị của tập đoàn Wagner" - Bộ Quốc phòng cho biết.

MỚI - NÓNG