Điều đáng nói với toàn bộ dữ liệu này, bất cứ ai cũng đều có thể tìm kiếm rất thuận tiện theo kiểu Google bằng cách gõ một cái tên người hay tên công ty. Đáng chú ý, 189 tổ chức và cá nhân Việt Nam đã có tên trong hồ sơ này.
Được biết, ngay chiều qua Tổng Cục Thuế đã có cuộc họp khẩn về vụ việc này và quyết định thành lập ngay một tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức và cá nhân Việt Nam nói trên. Đương nhiên, ở thời điểm này việc họ có tên trong hồ sơ Panama chưa thể nói lên điều gì, một khi mọi hoạt động kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế hay thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài đều hợp pháp.
Vấn đề còn lại chính là trách nhiệm các cơ quan chức năng của chúng ta trước sự việc gây chấn động toàn cầu này. Liệu trong tổng số 189 cái tên được nêu ra (có thể sẽ còn nữa một khi 11 triệu trang tài liệu được ICIJ xử lý hết), có cái tên nào đang sử dụng công ty ma để trốn thuế hay che giấu tiền bẩn ? Còn nhớ, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi tên họ xuất hiện trong hồ sơ Panama, Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế trước áp lực của công luận. Hàng loạt người giàu có ở nhiều quốc gia khác cũng đang bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế từ hồ sơ Panama.
Và mới đây nhất, 300 nhà kinh tế nổi tiếng trên toàn cầu, trong đó có cả chủ nhân giải thưởng Nobel kinh tế 2015 Nora Lustig , đã gửi thư cảnh báo về các thiên đường trốn thuế tới lãnh đạo các nước ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về Tham nhũng tổ chức ngày 12/5. Thông điệp của các nhà kinh tế học khẳng định : Các thiên đường trốn thuế trên thế giới đang làm rối loạn kinh tế toàn cầu !
Dù lách thuế hay tối đa lợi nhuận một cách hợp pháp hay vì bất cứ lý do gì, dưới con mắt những người dân dù ở bất kỳ quốc gia nào, việc phanh phui hồ sơ Panama sẽ là một sự minh bạch cần thiết. Ngân sách nhà nước, quỹ phúc lợi công cộng sẽ bớt bị bòn rút từ những hành vi trốn thuế, lách thuế mờ ám bấy lâu nay.