'Rửa tay đi'!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tiếp xúc với cử tri Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ nào có sai phạm tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn.  “Ai đã trót nhúng chàm rồi thì rửa tay đi”, Tổng Bí thư nói.

Quan điểm mà Tổng Bí thư nêu ra cũng là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Khi xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên, các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp luôn xem xét khách quan, toàn diện một cách “thấu tình đạt lý”. Với những trường hợp vi phạm nhưng ngoan cố, thiếu thành khẩn, thậm chí còn tìm cách “chạy chọt” thì đều bị xử lý nghiêm minh.

Ngược lại, những ai thành khẩn, chủ động khai báo, chủ động hợp tác, khắc phục hậu quả, hoặc đã từng có “tiếng nói ngay thẳng” đều được xem xét miễn hoặc giảm mức kỷ luật. Điển hình như trong vụ việc xảy ra ở Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định không kỷ luật đối với hai Ủy viên Hội đồng quản trị của Saigon Co.op là ông Quách Cường và bà Hồ Mỹ Hoa. Lý do là ông Cường và bà Hoa, từng đấu tranh trước các sai phạm của tập thể và khi bị xem xét kỷ luật đều có tinh thần nghiêm túc, cầu thị…

Tuy nhiên, tham nhũng vốn là căn bệnh của quyền lực, “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, những va ly đầy tiền luôn có lực hấp dẫn lớn nên việc ngăn ngừa, hạn chế là một công việc đầy khó khăn. Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, dù cuộc đấu tranh trên mặt trận này tiếp tục giữ được xu thế “không ngừng”, “không nghỉ” nhưng tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tham nhũng không xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm…

Đặc biệt, không chỉ diễn ra trong bối cảnh bình thường, mà ngay cả thời điểm khó khăn nhất của cả nước trong phòng, chống dịch, nhiều quan chức vẫn tìm cách để tham nhũng, trục lợi. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Các cơ quan tư pháp cũng đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 4 Uỷ viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh uỷ; 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương, 2 nguyên chủ tịch tỉnh và 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… Những kết quả trên, một mặt thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước nhưng mặt khác cũng cho thấy, đối với “giặc nội xâm”, muốn hạn chế nó đòi hỏi “trên dưới phải đồng lòng”, phải có sự đồng bộ từ pháp trị đến đức trị. Việc xử lý nghiêm minh nhưng cũng “mở đường”, tạo cơ hội cho những người lỡ “nhúng chàm” chủ động khai báo, “gột rửa” để hưởng sự khoan hồng trước pháp luật và các quy định của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên rằng: Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất! Với một số cán bộ cao cấp, từng là ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh,… khi đứng trước “vành móng ngựa”, có lẽ thấu hiểu hơn ai hết hệ quả từ những chiếc phong bì, những va ly đầy tiền…

Vậy nên, với những cán bộ, đảng viên đã lỡ thiếu “trong veo” thì cơ hội tự “gột rửa” chưa bao giờ là “quá muộn”.

MỚI - NÓNG