Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 19/11. Ảnh VOV |
Sáng 19/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng.
Cử tri thành phố Hà Nội cho rằng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả rõ nét, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng, không nghỉ. Cử tri cũng mong muốn những kết quả đạt được của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội sớm đi vào đời sống, đồng thời đề nghị sớm đề ra những giải pháp nhằm ngăn chặn xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, giải pháp khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
Đề cập đến vụ án xảy ra tại Công ty An Đông, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm, cử tri Nguyễn Anh Dũng (Đống Đa) cho rằng, đây là vụ án rất phức tạp nhưng phải làm, nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. Cử tri đề nghị tiếp tục điều tra, đưa ra ánh sáng các vụ án tham nhũng, xử lý nghiêm vụ sai phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, cử tri quận Đống Đa cũng đề nghị thực hiện phòng, chống tham nhũng theo hướng từ sớm, từ xa, tránh để thành “ung nhọt” mới phát hiện ra và xử lý.
Chia sẻ với cử tri Hà Nội về vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hiện nay không chỉ có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà toàn bộ các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành.
Tổng Bí thư cũng cho biết, trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo hôm qua (18/11) đã thống kê bao nhiêu vụ làm và sắp tới sẽ làm vụ nào. Tổng Bí thư cũng nhắc lại việc Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ nào có sai phạm tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng, sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn và điều này rất nhân văn.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tinh thần phải làm kiên trì, làm bền bỉ, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. “Chúng ta khuyến khích ai đã trót nhúng chàm rồi thì rửa tay đi”, Tổng Bí thư bày tỏ. Đối với những trường hợp trốn ra nước ngoài thì thực hiện các biện pháp để bắt về nước rồi xử lý; nếu không được thì xử vắng mặt, tuyên bố công khai.