Sáng 4/3, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Sở Y tế TPHCM để tháo gỡ khó khăn cho các trường học khi tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh trong tình hình số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng cao.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết từ ngày 20/10/2021, TPHCM thí điểm việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1, 2, 6, 9, 12 thuộc cơ sở giáo dục phổ thông tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ).
Đến ngày 13/12/2021, TPHCM tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 và 12 thuộc cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn thành phố. Từ ngày 4/1, TPHCM mở rộng tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 và từ ngày 14/2 tổ chức đón trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1– lớp 6 trở lại học trực tiếp tại trường.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, từ ngày 7/2 đến ngày 2/3, TPHCM ghi nhận có tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghi nhiễm COVID-19 được phát hiện tại trường học là 39.934 trường hợp, trong đó 36.605 trường hợp (chiếm hơn 91%) là học sinh và 3.329 trường hợp là cán bộ, giáo viên và nhân viên trường học (chiếm 8,3%).
Trong hai tuần qua (từ 15/2 đến 2/3), TPHCM ghi nhận số ca nghi nhiễm cao trong cơ sở giáo dục tại các quận, huyện trên địa bàn. Trong đó, các địa phương có số lượng phát hiện ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm Quận 1 (4005 ), Quận Bình Thạnh (3.483 trường hợp), Thành phố Thủ Đức (3.301 trường hợp), Quận 12 (3.222 trường hợp) và Quận Tân Phú (2.871 trường hợp).
Trường THPT chuyên Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) đo thân nhiệt cho học sinh khi đến trường. TP Thủ Đức là một trong 5 địa phương có số học sinh nghi nhiễm cao nhất TPHCM |
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, trong hai tuần qua, số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sinh là 2,3%, trong đó khối mầm non (dưới 1%), tiểu học (2,6%), trung học cơ sở (2,4%) và trung học phổ thông (3,1%).
“Hiện tại số ca nghi nhiễm tại trường học được ghi nhận gia tăng. Số cơ sở giáo dục trên địa bàn xã phường nhiều. Việc này tạo áp lực công việc cho Trạm Y tế xã phường trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục” – ông Hưng cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp làm cho công tác phòng ngừa dịch bệnh tại trường học khó đảm bảo. Ông đề xuất cho phép nhân viên y tế trường học được chủ động tham gia phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ Trạm y tế xử lý dịch tại trường học.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng tại buổi làm việc với HĐND TPHCM |
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT và Sở Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát chủ động và thực hiện các quy trình xử lý các trường hợp nghi nhiễm trong trường học, đề xuất tăng cường các biện pháp truyền thông cho phụ huynh học sinh, báo cáo kịp thời cho Sở Y tế về những trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt như chùm ca bệnh hoặc những trường hợp bệnh nhi cần nhập viện chăm sóc y tế…. để ngành y tế chủ động thực hiện các biện pháp xử lý dịch và điều trị kịp thời.
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị trường học nỗ lực bình thường hóa các hoạt động như căn tin, bán trú trong trường học, phục vụ nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh. Tất cả các cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án phòng chống dịch COVID-19 và được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp quận, huyện thẩm định, phê duyệt.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, thống kê cho thấy, trong ngày đầu tiên học sinh mầm non và tiểu học đến trường (ngày 14/2), tỷ lệ học sinh đi học ở bậc mầm non là 66,3%, bậc tiểu học là 95,99%, THCS là 96,89% và THPT 98,93%.
Vào tuần thứ hai, tỷ lệ học sinh đi học tăng lên với 70,51% ở bậc mầm non và 96,1% ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, bước vào tuần học thứ 3, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng ca nhiễm tăng nhanh khiến tỷ lệ học sinh đi học giảm nhẹ.