Phòng trị lở loét ở bệnh nhân ít vận động

Ảnh minh họa: Royalrattanakhospital.
Ảnh minh họa: Royalrattanakhospital.
Bệnh nhân hạn chế vận động lâu dài gây thiếu máu cục bộ, tổn thương tiến triển và loét hoại tử.

Thông thường trong mọi tư thế đứng, nằm, ngồi, cơ thể đều có những điểm nhất định chịu lực đè ép do trọng lực. Thông qua quá trình vận động, các điểm chịu lực sẽ được giải phóng khỏi lực đè ép, do vậy không gây tổn thương nào cho cơ thể. Còn đối với người hạn chế vận động hoặc bệnh nhân nằm liệt trong thời gian dài, lực đè ép khiến cho cấu trúc chịu lực giảm lưu lượng máu tuần hoàn mao mạch, gây thiếu máu cục bộ, tổn thương tiến triển và cuối cùng là loét hoại tử. Tình trạng này gọi chung là loét do tì đè.

Loét do tì đè (hay loét tì) là một loại tổn thương hoại tử tổ chức giữa vùng xương và vật có nền cứng. Hiện nay y học có nhiều tiến bộ trong việc chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ loét cao, nhưng điều trị loét do tì đè vẫn là vấn đề thách thức. Cơ chế sinh bệnh của loét tì đè là do tình trạng bất động lâu ngày, thường xuất hiện ở những người bị hôn mê kéo dài, liệt hai chi dưới, liệt tứ chi, suy kiệt do bệnh hay do tuổi già, chấn thương, hậu phẫu kéo dài… Theo nghiên cứu, thời gian của lực nén kéo dài từ khoảng 2 giờ trở lên sẽ gây ra tình trạng này.

Ngoài ra, một số yếu tố khác góp phần hình thành tình trạng thiếu máu tổ chức như thay đổi cảm giác (chẳng hạn biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường), tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, môi trường kém vệ sinh (do phân, nước tiểu ở người già nằm lâu), mất khả năng vận động, tổn thương tổ chức che phủ, dinh dưỡng kém…

Vị trí dễ bị loét do tì đè là những nơi xương lồi lên mà không có cơ bao bọc hoặc có nhưng quá ít. Ví dụ:

- Trường hợp người bệnh nằm ngửa: Thường bị ở vùng chẩm (sau ót), vùng xương cùng (vùng phía trên của khe mông), xương bả vai, khuỷu tay, gót chân.

- Trường hợp người bệnh nằm nghiêng: Thường bị một bên ngoài lồng ngực, bả vai, phía ngoài và trong đầu gối chân, mắt cá, ụ lớn xương đùi.

- Trường hợp người bệnh phải ngồi (người bị suy hô hấp): Thường bị ở ụ ngồi xương chậu (ụ xương ở giữa mông), vùng vai (nếu ngồi nghiêng).

Loét tì diễn tiến theo các giai đoạn:

- Giai đoạn một: Các thay đổi tại chỗ của da vùng bị tì đè bao gồm đỏ da, phù nề, đôi khi xuất huyết, da ấm hơn vùng xung quanh. Xuất hiện những mụn nước như trong bỏng độ 2. Tổn thương khu trú chủ yếu vùng thượng bì. Có thể hồi phục khi loại bỏ nguyên nhân tì đè tại chỗ.

- Giai đoạn 2: Đỏ da và phù nề tại chỗ tăng lên, các bọng nước vỡ, xuất hiện vùng đỏ da xung quanh tổn thương cùng với hiện tuợng viêm da tại chỗ. Da bị tổn thương dễ bị bội nhiễm hay nhiễm trùng thứ phát. Nếu tổn thương lớn hơn 1 cm, quá trình tự liền vết thương rất khó. Giai đoạn này có thể hồi phục nhờ loại bỏ nguyên nhân tì đè, chăm sóc vết thương, kèm chăm sóc nhiễm trùng nếu có.

- Giai đoạn 3: Mất hoàn toàn phần da che phủ, các thành phần phía dưới sẽ lộ ra. Trong 3-5 ngày, trung tâm hoại tử xuất hiện, đó là vùng có màu đỏ xám xung quanh là vùng da đỏ phù nề, vết loét màu xám vàng cùng với chất mủ xuất hiện ngay vùng trung tâm tổn thương. Quầng đỏ và phù nề lan rộng xung quanh vết loét. Có thể chảy máu ở bờ vết loét.

- Giai đoạn 4: Tổn thương lan sâu hơn, xuống đến phần cơ xương. Thông thường tổn thương diễn tiến theo hình côn.

- Giai đoạn 5: Tổn thương loét mãn tính, chủ yếu là mất da và các tổ chức dưới da ngày với nền tổn thương là xương, ngày càng lan rộng. Vùng xung quanh tổn thương có thể bị biểu bì hóa hay sẹo hóa.

Các giai đoạn 3-5 cần điều trị tích cực bằng kháng sinh, nhiều trường hợp cần phẫu thuật nhằm dẫn lưu ổ mủ, cắt lọc loại bỏ tổ chức mô hoại tử. Mức độ hồi phục và tiên lượng nhiều trường hợp rất dè dặt.

Loét do tì đè có thể diễn biến phức tạp, gây nặng thêm tình trạng bệnh vốn có, ảnh hưởng nghiêm trọng lên sự hồi phục của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong trong nhiều trường hợp do loét hoại tử mô, nhiễm trùng nhiễm độc. Do vậy, đối với loét do tì đè, dự phòng là vô cùng cần thiết.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG