Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Maria da Assunsao. Ảnh: Đức Tám
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Maria da Assunsao. Ảnh: Đức Tám
TP - Ngày 4/6, tại Diễn đàn Kinh tế biển Lisbon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, Việt Nam đang tăng cường hợp tác kinh tế biển với các quốc gia, nhưng hoạt động hợp tác kinh tế biển không thể thành công nếu an ninh, an toàn, tự do hàng hải bị đe dọa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng khan hiếm, các nước trên thế giới, nhất là các quốc gia ven biển đều hướng ra biển, coi phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh biển là ưu tiên chiến lược. Thủ tướng cho biết, Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên rộng hơn 1 triệu km2. Việt Nam có mục tiêu phát triển bền vững đến 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển; kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đang tăng cường hợp tác kinh tế biển với các quốc gia, trong đó có Bồ Đào Nha. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hoạt động hợp tác kinh tế biển không thể thành công nếu an ninh, an toàn, tự do hàng hải bị đe dọa. Hiện nay, khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới lưu thông trên tuyến hàng hải nối Đông Bắc Á với châu Âu. Rất tiếc, trên tuyến vận chuyển này, tại khu vực biển Đông, đang xảy ra hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá, nhiều công trình có quy mô lớn trái luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và các thỏa thuận khu vực. Các hoạt động này làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không. ASEAN, nhóm các nước G7 và nhiều quốc gia khác đã bày tỏ quan ngại sâu sắc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói công lý mạnh mẽ yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ, thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông; không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp. “Chúng ta đang cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế biển và hãy cùng nhau giữ gìn màu xanh của môi trường biển và màu xanh hòa bình của biển cả bao la vì lợi ích chung của tất cả các nước, các dân tộc”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. 

Bồ Đào Nha muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam

Tại Diễn đàn Kinh tế biển, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho nói rằng, Bồ Đào Nha là một trong những nước khởi xướng và đang tích cực tham gia Chiến lược biển Đại Tây Dương và Định hướng Tăng trưởng dựa vào Biển của Liên minh châu Âu (EU). Với tiềm năng to lớn về biển, Bồ Đào Nha đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế biển với việc xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Thủ tướng Coelho nhấn mạnh, Bồ Đào Nha luôn mong muốn hợp tác chặt chẽ, tích cực trao đổi với Việt Nam trong phát triển kinh tế biển thời gian tới.

Diễn đàn Kinh tế Biển Lisbon là một trong 3 hoạt động chính của Tuần lễ Biển do Bồ Đào Nha tổ chức từ ngày 3 đến 5/6, với các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề, gian trưng bày, giới thiệu với sự tham gia của đại diện gần 200 tập đoàn, công ty, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ, cơ quan quản lý về biển của Bồ Đào Nha, EU và quốc tế. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm Cảng vụ Lisbon, tham quan Cảng Lisbon - một trong những bến cảng lớn nhất châu Âu.  

Tối qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Bulgaria theo lời mời của Thủ tướng Boico Borisov. Ngày 3/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và chủ trì Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam - Bồ Đào Nha tại thủ đô Lisbon và kêu gọi các doanh nghiệp Bồ Đào Nha đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Maria da Assunsao.

MỚI - NÓNG