Phát triển kinh tế biển: Nặng khẩu hiệu, thiếu đột phá

Nhiều ĐBQH đề nghị sửa Bộ luật Hàng hải, ngoài mục đích an ninh quốc phòng cần tạo điều kiện phát triển kinh tế biển. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhiều ĐBQH đề nghị sửa Bộ luật Hàng hải, ngoài mục đích an ninh quốc phòng cần tạo điều kiện phát triển kinh tế biển. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Thảo luận về dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi), phần lớn các đại biểu (ĐB) đều đồng tình với chủ trương xã hội hóa, nhượng quyền khai thác cảng biển cho tư nhân. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, các ĐB đề nghị khi nhượng quyền cần phải thận trọng sao cho vừa kết hợp phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo đảm được an ninh quốc phòng.

Nặng khẩu hiệu

Theo ĐB Nguyễn Phi Thường  (Hà Nội), việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải lần này chưa đáp ứng được yêu cầu lớn trong bối cảnh hiện nay. Nhiều vấn đề mới mang tính ý tưởng, chủ trương, chứ chưa đặt một quy trình mới hàng hải nhằm hoàn thiện sứ mệnh, chiến lược gồm giao thông, hạ tầng công nghiệp đóng tàu, thương mại hàng hải, công nghiệp khai thác tài nguyên biển, tổ chức chuỗi thanh tra giám sát đảm bảo an ninh hàng hải, tác chiến quân sự, phát triển vùng biển, thu lợi ích phát triển hàng hải thu lợi từ hàng hải….

ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, đất nước ta có tiềm năng rất lớn về biển, nhưng kinh tế hàng hải lại rất kém, hình thức vận chuyển vẫn chủ yếu bằng đường bộ, đường sắt. Nguyên nhân do cơ chế chính sách pháp luật chưa phù hợp dẫn đến xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng như Vinashin, Vinaline. Tuy nhiên, những chính sách được đề cập trong dự thảo Bộ luật Hàng hải trình ra Quốc hội lần này vẫn nặng “khẩu hiệu”, thiếu các chính sách cụ thể có tính đột phá.

“Kinh tế hàng hải cần phải có chính sách thực sự đột phá, tiếp thu nguồn lực của mọi thành phần để đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hải và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, biển đảo. Nhưng trong dự thảo lại chưa làm bật được điều đó. Quy định như vậy sẽ không tạo được sự đột phá. Nhà nước chỉ có chính sách mà luật chả quy định gì cụ thể, chỉ nêu như khẩu hiệu là không phù hợp”, ông Dũng nói.

Cẩn trọng khi “bán” cảng biển

Ủng hộ chủ trương xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư vào xây dựng, khai thác hạ tầng cảng biển nhưng ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị cần phải phân định rõ ra cái gì nhà nước đầu tư có thể bán lại, hoặc giao quyền khai thác cho tư nhân để hiệu quả hơn, và nhà nước thu lại nguồn lực để tái đầu tư. “Khi xã hội hóa, nhất là trong tình hình biển Đông hiện nay cũng rất cần cẩn thận khi giao các bến cảng cho các công ty nước ngoài. Cho nên phải quy định rất cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt khi giao các bến cảng có vị trí địa lý chiến lược cho các nhà đầu tư nước ngoài thì phải hết sức cẩn thận để làm sao vừa kết hợp phát triển kinh tế, nhưng vẫn bảo đảm được an ninh quốc phòng”, ông Bảo đề nghị.

“Nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hóa đến bến cảng của mình đã tạo ra cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác chung. Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại nói trên”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng 

Đề cập về mô hình Ban quản lý khai thác cảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, dù rất tâm đắc với tổ chức Chính quyền cảng được quy định trong dự thảo trước, song tại dự thảo mới nhất, mô hình này đã được thay thế bởi “Ban quản lý khai thác cảng”. Lý do được ông Thăng nêu ra là cơ quan soạn thảo vẫn chưa thuyết phục được Ủy ban thường vụ Quốc hội về vị trí, mối liên hệ của Chính quyền cảng so với các cấp chính quyền khác.

“Việc xây dựng mô hình Chính quyền cảng hay Ban quản lý khai thác cảng là nhằm xây dựng một tổ chức có chức năng điều phối chung trong việc phát triển từng khu vực cảng, nhóm cảng; quản lý chung cả vùng nước cảng biển và vùng đất sau cảng để tạo sự thống nhất trong việc đầu tư, phát triển, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ để giải quyết những bất cập hiện nay tại khu vực cảng biển”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG