Lập bộ chuyên ngành để đột phá kinh tế biển

Tập trung phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững sẽ tăng cường “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên biển Đông, góp phần giảm căng thẳng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tập trung phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững sẽ tăng cường “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên biển Đông, góp phần giảm căng thẳng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Việt Nam cần nhanh chóng thành lập một bộ quản lý tổng hợp về biển và hải đảo trong bối cảnh biển Đông diễn biến phức tạp. Đây sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế biển, qua đó tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo lâu dài, phức tạp. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, chia sẻ với Tiền Phong về ý tưởng thành lập một bộ quản lý tổng hợp biển và hải đảo sau khi một số đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển.

Nên thành lập Bộ Biển và Nghề cá

Thưa ông, trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển nhằm quản lý tổng hợp các hoạt động kinh tế biển, hải đảo. Quan điểm của ông về đề xuất này?

Câu chuyện thành lập một bộ độc lập hoặc tương đương về biển ở nước ta không là chuyện mới. Từ năm 2002, trong quá trình chuẩn bị Chiến lược phát triển kinh tế biển (khi đó Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo), câu chuyện thành lập một bộ để quản lý nhà nước về biển nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo về quản lý giữa các ngành liên quan đến biển được bàn thảo khá nhiều.

Với vị thế và tiềm năng của một đất nước ba phần là biển và trong bối cảnh phức tạp của biển Đông thì việc thành lập một bộ chuyên quản về biển để phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích biển quốc gia, nhanh chóng tham gia khai thác vùng biển quốc tế và đại dương để “lấy đại dương nuôi đất liền”, tăng vị thế biển của Việt Nam và làm giàu cho đất nước là việc nên làm.

Tuy nhiên, “mô hình bộ biển” chúng ta mong muốn phải được bàn thảo, chuẩn bị chu đáo, cân nhắc đồng bộ nhiều mặt, đặc biệt phải hiểu cho đúng bản chất và nội hàm của quản lý tổng hợp biển và các nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, hải đảo và vùng ven biển. Các bài học quản lý và quản trị tổng hợp biển và đại dương các nước đã viết thành sách từ 20 năm trước rồi. Trong số 192 quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển và quốc đảo lớn nhỏ trên thế giới, đã tồn tại bốn mô hình thiết chế tổ chức quản lý biển.

Lập bộ chuyên ngành để đột phá kinh tế biển ảnh 1 PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

Nếu thành lập một bộ quản lý tổng hợp biển và hải đảo, ông hình dung như thế nào về bộ này, như tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ?

Trước khi sáp nhập Bộ Thủy sản vào Bộ NN&PTNT cuối năm 2007, vấn đề có thành lập hay không một bộ chuyên quản về biển cũng đã được thảo luận ở cấp cao nhất. Khi đó, có mấy phương án thảo luận: (i) Nên giữ Bộ Thủy sản, chuyển phần nuôi trồng thủy sản nước ngọt về thành lập một đơn vị tương đương Cục ở Bộ NN&PTNT và đổi tên Bộ Thủy sản thành Bộ Biển và Nghề cá (có thể chi tiết hơn là Bộ các vấn đề biển và nghề cá/hải sản) như của Indonesia hiện nay; (ii) Nên giữ nguyên vẹn Bộ Thủy sản, đưa các đơn vị quản lý biển ở một số lĩnh vực kinh tế biển chủ đạo về và thành lập Bộ Thủy sản và Biển; (iii) Thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở gộp các đơn vị mạnh về kinh tế biển như dầu khí, hàng hải, thủy sản vào một; (iv) Bộ Quản lý Biển để nhấn mạnh mảng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất.

Thành lập một cơ quan cấp bộ đủ mạnh để giúp Chính phủ lo toàn cục, toàn diện, lo đại sự lâu dài đối với vấn đề phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước là cần thiết, cấp thiết và đủ sức nhanh chóng thay đổi tình hình nói trên, giải quyết các thách thức lớn liên quan đến vấn đề hệ trọng của dân tộc ta - biển, đảo.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi 

Cá nhân tôi nghiêng về thành lập mới Bộ Biển và Nghề cá với chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý về mặt nhà nước đối với biển, vùng ven biển và hải đảo. Nhiệm vụ trọng tâm và bao trùm của bộ này là quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng biển, vùng ven biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; đồng thời giúp Chính phủ chuẩn bị các điều kiện và tổ chức các hoạt động khai thác ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia và đại dương.

Triết lý chung là, cái gì chung của thiên hạ (vùng biển quốc tế và đại dương) thì phải tranh thủ ra khai thác trước. Tức là bộ này không chỉ quản lý “ao nhà” mà còn vươn ra “biển lớn” - di sản chung của loài người mà luật pháp quốc tế cho phép tất cả các quốc gia đều có quyền hưởng dụng và có nghĩa vụ gìn giữ. Sứ mạng to lớn, mang tầm chiến lược sống còn của một dân tộc như vậy cần phải giao phó cho một thể chế ở đẳng cấp cao nhất mới đủ thẩm quyền và tập trung nguồn lực trực tiếp, nhanh chóng và kịp thời giúp Chính phủ giải quyết. 

Như vậy, bộ mới này không phải là phép “cộng cơ học” các ngành kinh tế biển hiện có, mà tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước liên ngành, không phải là bộ kinh tế-kỹ thuật biển. Bộ này không nên “ôm vào” các hoạt động sản xuất kinh doanh, dễ làm sao lãng công tác quản lý nhà nước và nguy cơ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cơ cấu tổ chức của bộ này nên theo cách tiếp cận tiên tiến của thế giới là quản lý biển theo không gian và theo lĩnh vực ưu tiên. Thí dụ, giúp việc và tham mưu cho bộ này có thể có các đơn vị quản lý chuyên môn như: Cục Quản lý vùng ven biển, Cục Quản lý khai thác biển, Cục Quản lý khai thác đảo, Cục Các vấn đề đại dương, Cục Nghề cá, Cục Bảo vệ môi trường và bảo tồn biển, Vụ Chính sách biển và đại dương, Cục Thông tin-Dữ liệu biển, và một số viện, trung tâm khoa học - công nghệ biển và đại dương vừa nghiên cứu vừa làm dịch vụ… phục vụ trực tiếp công tác quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo.

Còn tại sao lại là nghề cá? Vì ngư dân là lực lượng đông đảo, nghề của họ là bám biển nên là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong công tác quản lý biển, đảo của đất nước. Thậm chí, ngư dân sẽ là lực lượng tối quan trọng trong chiến tranh nhân dân trên biển khi tình huống xấu nhất xảy ra. Họ cũng là lực lượng “xã hội” biển mà Đảng và Chính phủ ta phải quan tâm, bảo vệ và quản lý. Lợi ích của ngư dân luôn gắn với nghề cá. Hằng ngày có đến 10.000 tàu thuyền ngư dân hoạt động trên khắp vùng biển của đất nước. Ngư dân chính là “tai mắt” và “hiện diện dân sự” trong hoạt động bảo đảm “chủ quyền dân sự” trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Lập bộ chuyên ngành để đột phá kinh tế biển ảnh 2 Ngư dân Việt Nam đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường.

Hiện nay đã có Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ TN&MT là cơ quan quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Ngoài ra, còn khoảng 15 bộ, ngành, lĩnh vực và 28 địa phương ven biển quản lý các hoạt động kinh tế biển chuyên ngành. Việc thành lập một bộ quản lý tổng hợp về biển và hải đảo liệu có tạo ra sự chồng lấn nhiệm vụ của nhau?

Về bản chất, quản lý tổng hợp và thống nhất không thay thế quản lý và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, mà nó kết nối và điều chỉnh các hành vi của các ngành trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên (kể cả tài nguyên phi vật thể, tài nguyên văn hóa…) và bảo vệ môi trường thuộc phạm vi phân cấp cho ngành. Đặc biệt, Bộ Biển và Nghề cá phải chú trọng vào việc giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa các ngành, các cấp, các vùng, giữa người dân và Nhà nước, thậm chí giữa nước ta với các quốc gia láng giềng trong việc khai thác, sử dụng biển và hải đảo. Không đi sâu vào công tác sản xuất, dịch vụ của ngành.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả khai thác tài nguyên biển của Việt Nam hiện nay? Nếu thành lập một bộ quản lý tổng hợp về biển, hải đảo, theo ông, sẽ có những tác động thúc đẩy phát triển kinh tế biển như thế nào?

Cơ chế quản lý theo ngành thường làm nảy sinh những mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, những xung đột không gian trong khai thác, sử dụng biển giữa các ngành, các tổ chức và cá nhân ở cùng một vùng biển. Điều này khiến hiệu quả khai thác, sử dụng biển, hải đảo thấp và chỉ đạt được mục đích ngắn hạn. So với các nước trong khu vực, chúng ta vẫn thuộc diện khai thác biển thủ công và lạc hậu, đặc biệt là tụt hậu về mặt công nghệ. Chưa phát huy được mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, còn chú trọng nhiều đến các lợi thế tĩnh về tài nguyên vật chất và lợi ích ngắn hạn; các giá trị dịch vụ, giá trị chức năng và phi vật chất, phi vật thể của các hệ thống tài nguyên biển và lợi ích dài hạn trong sử dụng biển còn bị xem nhẹ. Nếu không có các giải pháp khắc phục hiệu quả mang tính đột phá thì sau năm 2030, một số dạng tài nguyên sẽ cơ bản không còn. 

Cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý, mới phát triển một phần ở vùng biển quốc gia, chưa chuẩn bị điều kiện và thể hiện rõ nét tư tưởng vươn ra biển lớn, gắn kết đất liền với đại dương để giải quyết bài toán phát triển mang tầm thời đại và chiến lược sinh tồn của dân tộc.

Thành lập một cơ quan cấp bộ đủ mạnh để giúp Chính phủ lo toàn cục, toàn diện, lo đại sự lâu dài đối với vấn đề phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước là cần thiết, cấp thiết và đủ sức nhanh chóng thay đổi tình hình nói trên, giải quyết các thách thức lớn liên quan đến vấn đề hệ trọng của dân tộc ta - biển, đảo.

Cũng phải nói thêm rằng, xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ đất nước luôn là hai mặt của một vấn đề trong đường lối phát triển của đất nước. Kinh tế biển, đảo phát triển sẽ góp phần tăng cường “dân sự hóa” hoạt động của người Việt Nam trên biển, trên các đảo và quần đảo. Tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông còn lâu dài, gian khổ, cho nên tập trung phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững sẽ tăng cường “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên biển Đông, góp phần giảm bớt căng thẳng và xung đột.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG