Không chỉ tham nhũng vặt gây nhức nhối trong xã hội, một thực trạng mới xuất hiện, rất đáng chú ý là tình trạng tham nhũng có tính chất “lợi ích nhóm”. Các giải pháp phòng ngừa, điển hình như việc kiểm soát, kê khai tài sản chưa phát huy được hiệu quả. Trong khi đó đối tượng tham nhũng lại cấu kết nhau, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng đã trở nên phổ biến ở mọi lĩnh vực, từ tham nhũng chính sách cho hộ nghèo, người có công đến tình trạng hối lộ diễn ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Tuy có chuyển biến, nhưng có đại biểu cho rằng, việc đấu tranh với tham nhũng hiện nay cũng chỉ dừng lại ở mức giằng co, mới chỉ là “phòng ngự” mà chưa đến giai đoạn “phản công”.
Vậy làm thế nào để có thể “phản công” được tham nhũng? Pháp luật không loại trừ ai, vấn đề là phải làm thế nào để phát huy hiệu quả quy định của luật. Muốn làm được vậy, trước tiên phải có những con người có quyết tâm chống tham nhũng, được trao quyền mạnh mẽ như Bao Công để có thể độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Pháp luật nếu có mà không được thực thi nghiêm minh thì cũng chỉ như đấm vào không khí. Do vậy cần phải trao quyền mạnh hơn nữa cho cơ quan phòng chống tham nhũng và đây phải là cơ quan có tính độc lập cao.
Giải pháp thành lập cơ quan, hoặc Ủy ban chống tham nhũng độc lập được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tại diễn đàn Quốc hội. Khi được thành lập, đây sẽ là một cơ quan có đầy đủ quyền lực, nhiệm vụ chính là để theo dõi, phát hiện và để bắt những “cán bộ to” chứ không phải loại “tham nhũng vặt”. Không chỉ vậy, muốn chuyển từ “phòng ngự”, lên “phản công”, dù đối tượng đó có là ai đi nữa cũng cần phải được trừng trị thích đáng. Chỉ có như vậy mới mong đẩy lùi, ngăn ngừa được
tham nhũng.