Méo mó đào tạo chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không phải ngẫu nhiên chương trình đào tạo chất lượng cao được ví như “nồi cơm” của các trường đại học (ĐH) và cũng không tự nhiên, các trường đua nhau mở chương trình này để đào tạo.

Sau khi trở thành sinh viên năm thứ nhất (năm 2023) của một trường ĐH lớn khu vực phía Bắc, con trai tôi khá buồn khi thấy mức học phí cao ngoài sức tưởng tượng. Đã gần hết một năm học, con vẫn tỏ ra ấm ức khi biết ngành học của mình chỉ thuộc chương trình đào tạo chất lượng cao mà không có lựa chọn nào khác.

Với mức học phí trên 50 triệu đồng/năm học so với mức thu nhập trung bình của người sống ở Hà Nội là không thấp. Con tôi cho rằng, những điều kiện của nhà trường không như mong muốn của con và không tương thích với mức học phí. Con lấy ví dụ, chỗ gửi xe cho sinh viên thiếu, các dịch vụ đi kèm không có nhiều, phòng học không hiện đại như những gì nhà trường tuyên truyền.

Sau một năm học, con tôi kết luận, học theo chương trình đào tạo chất lượng cao chỉ hơn các bạn khác là không phải ngồi canh đêm đăng kí tín chỉ và lớp học chỉ nhỏ gọn 35 sinh viên, trong khi học phí đóng cao gấp 2 lần so với mức học phí theo chương trình chuẩn.

Trong 9 năm triển khai Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT quy định về chương trình đào tạo chất lượng cao ĐH luôn tồn tại 2 luồng ý kiến: Một là, chương trình chất lượng có “xứng đáng với đồng tiền bát gạo” hay không? Hai là, nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao có điểm tuyển sinh đầu vào thấp hơn chương trình chuẩn. Vô hình trung tạo nên sự nghi ngại của xã hội về chất lượng chương trình này.

Dư luận nghi ngại hay băn khoăn cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng chương trình đào tạo chất lượng cao của các trường ĐH. Bởi thực tế, chưa có công cụ đánh giá chuẩn xác chương trình này chất lượng cao đến đâu so với chương trình đại trà ngoài quy định đầu ra trình độ ngoại ngữ được lượng hóa thành bậc 4/6 trong khung tham chiếu châu Âu. Các chỉ số còn lại đều định tính, không cụ thể. Còn báo cáo công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp thì không có sự chênh lệch đột biến giữa sinh viên học theo các chương trình đào tạo khác nhau.

Các chương trình đào tạo chất lượng cao của các trường chỉ mở ở những ngành mà sinh viên ra trường có cơ hội việc làm tốt, đông đảo thí sinh quan tâm để dễ tuyển sinh, có thể thu học phí ở mức như trường tính toán. Do đó, các chương trình này là khe cửa hẹp không chỉ với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà cả những sinh viên thuộc gia đình có mức thu nhập trung bình ở ngoại tỉnh.

Việc Bộ GD&ĐT bãi bỏ chương trình đào tạo chất lượng cao đã không làm các trường ĐH mất đi “nồi cơm” của mình, bởi họ có thể đổi tên chương trình đào tạo hoặc có thể giữ nguyên, vì Luật Giáo dục ĐH 2018 tuy không đề cập nhưng không có nghĩa là các trường không được đào tạo.

Thực tế giáo dục ĐH Việt Nam đang thiếu kinh phí để phát triển, nhưng việc đẻ ra các chương trình đào tạo với những mác như “tiên tiến”, “chất lượng cao” hay “đào tạo bằng tiếng Anh” đang thực sự làm méo mó bức tranh đào tạo nhân lực chất lượng cao hiện nay. Có lẽ, Bộ GD&ĐT cần có khảo sát, đánh giá để điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng sinh viên phải nộp nhiều tiền mà chất lượng lại không cao như mong đợi.

MỚI - NÓNG