Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu giành nhiều huy chương từ các cuộc thi Olympic quốc tế |
Từ năm học 2021 - 2022, Nghệ An thí điểm mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục. Đây được xem như giải pháp tạo sự đột phá trong thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Sau 3 năm triển khai, kết quả hai kỳ thi Tốt nghiệp THPT với điểm trung bình của tỉnh nâng 14 bậc so với các năm trước. Các nhà trường làm thật, chỉ đạo thật, học thật, thi thật, sẽ có kết quả thật. Những trường đạt điểm trung bình cao, hoặc học sinh đạt thủ khoa, á khoa xét tuyển đại học không chỉ tập trung ở trường chuyên, trường vùng trung tâm, thành phố Vinh mà ở nhiều vùng nông thôn, con em đồng bào DTTS. Điển hình như Trường THPT Kim Liên (huyện Nam Đàn) có 2 thủ khoa khối A1 và A; Tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cô Nguyễn Thị Giang Chi – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường không “đóng khung” với vai trò trường chuyên như truyền thống đặt ra 3 sứ mệnh cơ bản: Thực hiện chức năng của trường chuyên trên nền giáo dục toàn diện; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế để đào tạo công dân toàn cầu, giúp học sinh nhà trường có khả năng thích ứng cao trong những môi trường học tập và công tác ở trong nước và ngoài nước; đổi mới giáo dục, trở thành hình mẫu cho giáo dục địa phương và rộng hơn nữa đó là trở thành hình mẫu cho giáo dục phổ thông cả nước.
Tại huyện Đô Lương, Trường THCS Lý Nhật Quang nhiều năm nay cũng được xem là đầu tàu của ngành giáo dục huyện. Từ năm học 2019-2020 đến nay, Trường THCS Lý Nhật Quang có 128 em được công nhận là HSG tỉnh ở nhiều môn. Điểm thi vào lớp 10 xếp tốp đầu toàn tỉnh, trong đó chiếm tới 20-30% học sinh lớp 9 trúng tuyển vào các trường THPT chuyên.
Từ năm học 2019-2020, Nghệ An triển khai thí điểm xây dựng trường trung học trọng điểm chất lượng cao tại 14 đơn vị có vùng đồng bằng, miền núi, chuyên biệt… với mục tiêu sẽ là đầu tàu dẫn dắt, thúc đẩy giáo dục trong vùng.
Giờ học tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An) |
Tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, có thể khẳng định ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nguồn nhân lực toàn diện chất lượng cao của tỉnh đã có nhiều tiến bộ. Hệ thống cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp khang trang, hiện đại, từng bước tiệm cận với khu vực và khẳng định được vị thế, thương hiệu của giáo dục Nghệ An trong hệ thống giáo dục quốc dân cả nước.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn vẫn tiếp tục được giữ vững, số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế luôn luôn dẫn đầu cả nước. Chất lượng giáo dục toàn diện đại trà từng bước được nâng lên và có sự phát triển, tiến bộ một cách rõ nét từ đứng thứ 46 lên vị trí thứ 20 - 22/63 tỉnh, thành.
Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các đề án, chính sách để quán triệt các nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn ở Nghệ An. Trong đó có chính sách đặc thù của tỉnh dành cho giáo dục, nhất là vùng núi cao và học sinh là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, rà soát lại hệ thống trường lớp, tập trung các điểm trường để xây dựng trường đồng bộ, khang trang, hiện đại.