Tổ quốc trên hết!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua, 18/5, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn tất chương trình làm việc. Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị, nhấn mạnh “công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy trong thời gian tới phải rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…”.

Liên quan đến nhân sự, hội nghị đã thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; bầu bổ sung vào Bộ Chính trị 4 người; đồng thời quyết định cho thôi giữ các chức vụ để nghỉ công tác với một lãnh đạo chủ chốt vì đã có vi phạm về các điều đảng viên không được làm.

Trước đó, ngày 13/3/2024, chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Tiểu ban, đã khẳng định công tác nhân sự “là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân. Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào…?”. Bởi như Tổng Bí thư chỉ ra cụ thể “Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý”.

Có thể thấy rất rõ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây đã minh chứng cho tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh việc lấy lại niềm tin rất lớn cho nhân dân và cán bộ, đảng viên, thì cũng không tránh khỏi những băn khoăn, xao động trước việc không ít cán bộ cao cấp bị kỷ luật. Điều đó khiến cho công tác xem xét chọn lựa, giới thiệu nhân sự, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược sắp tới trở nên đặc biệt quan trọng, gắn liền với sự tồn vong của chế độ và sự phát triển đất nước.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư đã khẳng định và yêu cầu công tác nhân sự cho Đại hội XIV sắp tới đòi hỏi phải “thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Tổ quốc-dân tộc trên hết! Đây chính là quan điểm tiên quyết và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xuyên suốt lịch sử đấu tranh cách mạng và đã đạt được nhiều thắng lợi to lớn. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, thì “Tổ quốc-nhân dân trên hết, trước hết” trở thành một mệnh đối với mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị. Để tất cả tự soi lại chính mình, gột bỏ mọi tham vọng cá nhân, lợi ích cục bộ, bè phái,…, mỗi hành động đều vì lợi ích chung, vì nước, vì dân, cùng nhau đoàn kết vượt qua những nguy cơ, thách thức đang rất lớn phía trước. Tất cả vì một đất nước, một dân tộc trường tồn.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.