Một lối nhỏ xuyên rừng thành đại lộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - 23 ngày đêm vượt gần 2.000 km sông suối, dốc đèo trên tuyến đường Trường Sơn gần như còn nguyên sơ như thời chiến tranh, là trải nghiệm không dễ có lần thứ hai trong đời.

Ngày ấy cách đây đã hơn 20 năm, khi hay tin khởi công xây dựng tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn, tôi liền khoác ba lô, xe máy lên đường. Hiện thực hóa ước nguyện lớn nhất là được đi suốt dọc đường Trường Sơn - một “bảo tàng” chiến tranh khổng lồ, một công trình vĩ đại về nghệ thuật quân sự của nhân loại thế kỷ 20, như đánh giá của các sử gia thế giới.

Tròn 65 năm trước, ngày 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam, với tên gọi đường Trường Sơn. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến đường huyền thoại này khiến đối phương bất ngờ và bất lực. Hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào ra chiến trường, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa… được vận chuyển phục vụ bộ đội, quân dân miền Nam chiến đấu, để giành đại thắng mùa xuân năm 1975. Dẫu kẻ thù đã trút xuống đây hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục ngàn tấn chất độc da cam, hàng vạn cán bộ chiến sĩ, TNXP của ta đã nằm lại bên những cánh rừng…

Gần một phần tư thế kỷ trước, Quốc hội đã ra Nghị quyết xây dựng đường Hồ Chí Minh, phần lớn theo nền đường Trường Sơn năm xưa. Tuyến đường rộng lớn, hiện đại dài hơn 3.100 km đi qua 30 tỉnh, thành phố đã mở ra cơ hội mang tính quyết định để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cho toàn bộ những vùng núi non xa xôi, khó khăn nhất của đất nước. Và ngay trong những ngày này, nhiều đoạn tuyến nối dài, mở rộng của đường Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục khẩn trương thi công, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và liên kết các vùng miền ở tầm cao mới.

Nhớ chuyến vượt Trường Sơn dạo ấy, ghé làng Rô ở huyện Nam Giang (Quảng Nam), gặp được cụ Đinh Reng khi ấy đã ngót 90 tuổi, năm xưa từng cứu sống và nuôi giấu hai nhà cách mạng vượt ngục Đăkglei (Kon Tum) là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ bất chấp họng súng của kẻ thù. Bức ảnh chân dung nhà thơ Tố Hữu cùng 4 câu thơ trích trong “Nước non ngàn dặm” “Ôi! làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm, ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy” do chính nhà thơ đề tặng khi về thăm tạ ơn dân làng được treo trang trọng trên vách nhà. Trưởng thôn Doãn Phú kể “Làng Rô xưa ở tít trên núi A Đây, đói lắm! Toàn ăn củ ch’ninh thôi, Rồi ăn đọt cây tà vạt, rau lang rừng ... Bây giờ làng vẫn còn nhà đói, nhưng thế cũng đã sướng hơn nhiều rồi!”. Giờ đây sau hơn hai chục năm, từ khi có đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua, làng Rô đã đầy đủ điện đường trường trạm, không còn nhà tranh vách nứa, không còn hộ đói nghèo.

“Ôi con đường vĩ đại của niềm tin/ Một lối nhỏ xuyên rừng thành đại lộ”, câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc những năm tháng hành quân trên đường Trường Sơn, giờ đây vẫn nhắc nhở mỗi chúng ta, không chỉ tự hào về kỳ tích đã qua, mà còn về niềm tin, về ý chí và quyết tâm bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước hùng cường. Từ con đường đi cho dân tộc mang tên Hồ Chí Minh…

MỚI - NÓNG