Mơ mộng với một đề Văn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đề thi vào lớp 10 chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học quốc gia Hà Nội) năm nay gây xôn xao bàn cãi.

Đề đưa ra một ý kiến (khuyết danh): “Một tòa nhà tráng lệ được dựng lên từ những viên gạch hồng chắc chắn. Nhưng những viên gạch ban đầu vốn chỉ là khối đất lặng im. Điều đáng chú ý, chúng đã được tạo nên qua bàn tay lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết của người thợ”. Câu nghị luận văn học đặt vấn đề: “Công việc của người thợ làm gạch giúp liên tưởng gì về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn?”. Còn câu nghị luận xã hội thì yêu cầu “Liên hệ với sự trưởng thành của bản thân mỗi con người trong cuộc sống, em có nhận thấy sự tương đồng với công việc của người thợ làm gạch?”.

Chỉ cần lướt qua, đã thấy lệnh các câu hỏi so với nội dung ngữ liệu toát lên sự khiên cưỡng, phiến diện, phi thực tế trong so sánh tương quan hai lĩnh vực. Về nhào nặn đất, nếu gọi là sáng tạo có chăng chỉ là nghề làm gốm, nặn tượng. Và nói như một nhà biên kịch, nhà thơ nổi tiếng người Ấn Độ, “lời nói không phải là suy nghĩ, cũng như viên gạch không phải là nhà”.

Nhưng tôi muốn suy nghĩ theo hướng tích cực, nên trên trang cá nhân đã cho rằng đây là một "đề thi rất thông minh" (chứ không phải là hay). Với hy vọng đây chính là cái "bẫy tư duy" của những người ra đề, để có cú "lật kèo" của những thí sinh xuất sắc. Chứ chỉ với một môn chuyên duy nhất phải thi, và 928 thí sinh chỉ chọn lấy 70, khắc nghiệt như vậy làm gì có chỗ cho những học sinh quen lối tư duy rập khuôn theo ý người khác!

Tuy nhiên, một số giáo viên Văn lập tức phản hồi, rằng “trong lịch sử giáo dục Việt Nam chưa bao giờ có hoặc được phép ra những đề "bẫy" như này. Khi công bố đáp án sẽ thấy họ yêu cầu học sinh thừa nhận ý kiến họ nêu ra”. Và “Sáng tạo thì khi anh hỏi thẳng, hỏi thật người ta vẫn sáng tạo như thường, đâu cần kiểu tiểu xảo như thế”. Thầy cô giáo dạy Văn, lại dạy ở lớp chuyên đã nói vậy, chắc đúng là như vậy.

Đề thi về nguyên tắc đúng là không thể đánh đố, và có thể tôi đã khá "mơ mộng" với hy vọng vào tư duy ngược giàu chất phản biện của lứa học trò đang say mê theo đuổi môn Văn. Đến thời điểm này, trường đã công bố điểm thi với điểm chuẩn là 8. Có thể đáp án chính thức của trường về đề Văn này sẽ không được tiết lộ, và sẽ chỉ có những người trong cuộc mới biết?

Giá mà được đọc bài thi của những em đạt điểm cao, xem tư duy của thầy và trò trước vấn đề này ra sao? Tôi cũng mường tượng, là trong những bài thi bị chấm điểm thấp, có bài nào viết "ngược" với điều mà các thầy cô ra đề đang hướng đến hay không?

Một đề thi được chính nhà trường thừa nhận “có tính phân hóa cao, lựa chọn thí sinh xuất sắc”. Trong một “môi trường học tập đặc biệt cho những học sinh xuất sắc; phát triển kỹ năng tư duy sâu rộng và khả năng giải quyết vấn đề…” như tiêu chí của ngôi trường này. Thì đáp án chính thức có lẽ nên được công khai.

MỚI - NÓNG