Quản chặt tiền vay

Quản chặt tiền vay
TP - Quản lý nợ công chặt chẽ, không để xảy ra việc rút ruột công trình trong đầu tư xây dựng, móc ngoặc trong đấu thầu các dự án đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách eo hẹp nguồn thu, là việc làm bức thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện quản lý nợ công của Việt Nam cần xem xét thật kỹ khi hiện có tới 70% tiền vay về dùng để chi tiêu, trả nợ, chỉ còn lại khoảng chừng 30% tiền vay được dùng để đầu tư các cơ sở hạ tầng này khác.

“Căn bệnh” đầu tư công ở Việt Nam nhiều năm qua được bắt mạch chính là xuất phát từ sự dàn trải, thậm chí đầu tư ở cả những chỗ đáng lẽ không cần đầu tư. Ngân sách eo hẹp nhưng vẫn phải dốc túi đầu tư các trụ sở làm việc hoành tráng ở cấp quận, phường, chưa kể các công trình công cộng mà đáng nhẽ khi dư dả bỏ tiền đầu tư cũng không sao là vấn đề gây nhiều bức xúc. Xét ở góc độ khác, điều này chưa có sự nghiêm túc trong quản lý đồng tiền đi vay.

Yêu cầu siết chặt quản lý ngân sách đang là việc cấp kỳ. Để giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách, những dự án chưa cấp thiết cần dừng lại, gác lại một bên. Những dự án xét không cần thiết cũng phải mạnh tay dẹp bỏ. Nhiều dự án được thực hiện thời gian qua cho thấy hoàn toàn chưa phải là cấp thiết trong khi vốn bỏ ra có những công trình lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách chưa có tiền nếu cố ném tiền đầu tư vào đây chỉ càng khiến gánh nặng chi tiêu gia tăng. Đã đến lúc phải mạnh tay cắt thẳng các dự án chưa cấp thiết, không để tình trạng “nể mặt nhau” trong phê duyệt các dự án đầu tư.

Dưới góc độ phát triển, việc tạo cơ chế, môi trường cho doanh nghiệp phát triển đang là nhiệm vụ khá quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Lời cảnh báo từ các chuyên gia về việc nhà nước không cần làm những việc mà tư nhân có thể làm được đang cho thấy rõ tính thực tế. Đã là nền kinh tế thị trường, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ cần được đẩy mạnh hơn nữa. 

Đã đến lúc Nhà nước dừng việc bỏ tiền đi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước. Cùng đó, phải tính tới việc xây dựng nguồn thu bền vững thông qua tạo dựng cơ chế, tập trung cung ứng các dịch vụ cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp có nguồn thu, các khoản đóng góp cho ngân sách sẽ gia tăng. Chừng nào doanh nghiệp còn khó khăn mà tập trung tăng thu thì khác gì con gà chưa có trứng nhưng vẫn bị ép phải lấy trứng. Muốn doanh nghiệp phát triển, phải tạo dựng cơ chế cho họ.

Bên cạnh siết quản lý ngân sách, việc tiêu dùng cũng cần được xem xét một cách thấu đáo trong bối cảnh phải đi vay để trả nợ. Ngân sách hạn hẹp, nhất thiết không được để tình trạng công chức sáng cắp ô đi, chiều vác ô về. Phải xem lại việc quản lý nhân sự hiện nay.  Ở khía cạnh được quản lý túi tiền của đất nước, Bộ tài chính cần làm rõ các khoản chi tiêu của các địa phương mỗi dịp cuối năm cũng như việc giảm chi tiêu ở các địa phương.

Bùi Kiến Thành

MỚI - NÓNG