Khai mạc kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII:

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo: “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo: “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.
TP - Ngày 20/10, kỳ họp thứ 10, QH khoá XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Báo  cáo  của  Chính  phủ  cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

GDP tăng trên 6,5% - cao nhất 5 năm qua

Báo cáo trước QH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, trong năm 2016 khoảng 2.450 USD. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%.

Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD).

 

Mặc dù vậy, báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, điểm lo ngại lớn chính là tình trạng nhập siêu trong năm 2015 đã quay trở lại sau 3 năm xuất siêu. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp. “Việc khai thác dầu thô vượt kế hoạch đề ra, mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên”, ông Giàu nêu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế yếu kém, điển hình như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, bội chi còn cao. Bên cạnh đó, tình trạng nợ công tăng nhanh khiến áp lực trả nợ lớn. Chất lượng tín dụng cũng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tình hình sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn...

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, việc cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chậm, thủ tục còn phiền hà. Mặt khác, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo. Đặc biệt, năng lực, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức.

Không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước.

“Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại nhanh ở những lĩnh vực cần thiết. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển bền vững kinh tế, xã hội khu vực biên giới và biển đảo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàn thiện thể chế kinh tế

Để thực hiện các mục tiêu phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Đồng thời sẽ khai thác tốt các cam kết quốc tế, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP đạt 45% vào năm 2020.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm, khó lường…đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực; tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt mức cao hơn kế hoạch đề ra; cải cách hành chính có bước tiến mới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực...

Ý kiến ĐBQH:

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):

8 giải pháp Chính phủ đưa ra đã phản ánh đầy đủ, toàn diện yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2016, trong đó nhấn mạnh phát triển nông công nghiệp, các lĩnh vực văn hóa xã hội, đặc biệt về quốc phòng an ninh, phòng chống tham nhũng. Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá toàn diện tình hình phát triển kinh tế xã hội, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn, tác động của tình hình thế giới đối với Việt Nam. Tôi có niềm tin rằng với các giải pháp Chính phủ đưa ra sẽ đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2016.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM):

Tôi đánh giá rất cao tình hình thực hiện ngân sách nhà nước trong năm 2015. Giá dầu thô trên thế giới đã giảm rất sâu từ 100 USD/thùng, xuống chỉ còn khoảng 50 USD/thùng, làm hụt thu nguồn thu dầu thô lên tới 32 nghìn tỷ, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cân đối được ngân sách nhà nước; giữ được mức bội chi ở mức 5% GDP. Như vậy là đã có sự tập trung tất cả nguồn thu và kiểm soát các nguồn chi một cách chặt chẽ.

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình):

Cùng với việc đánh giá những tồn tại, hạn chế, Chính phủ đã đưa ra 8 giải pháp mà chúng tôi tin rằng năm 2016 sẽ có đà phát triển tốt hơn, nhất là giải pháp về tinh thần hội nhập quốc tế, thực hiện các hiệp định thương mại tự do như TPP. Chính  phủ đã dự báo được những thời cơ, thách thức mà nước ta sẽ gặp trong quá trình hội nhập, để tận dụng cho sự phát triển của nền kinh tế, tận dụng lợi thế đối với các ngành hàng đang là thế mạnh.

Dũng Nguyễn - Văn Kiên (ghi)

MỚI - NÓNG