Thoái vốn tỷ đô không do áp lực nợ công

Theo các chuyên gia, nếu thoái vốn tại Vinamilk thông qua đấu giá công khai sẽ thu được số tiền nhiều hơn bán qua sàn. Ảnh: Thanh Hoàn.
Theo các chuyên gia, nếu thoái vốn tại Vinamilk thông qua đấu giá công khai sẽ thu được số tiền nhiều hơn bán qua sàn. Ảnh: Thanh Hoàn.
TP - Sáng 19/10, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp (DN) không phải do ngân sách khó hay sức ép nợ công. Hiện còn 17 ngàn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, chủ yếu lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, dự kiến sẽ được rút dần thời gian tới.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) có cuộc trao đổi với Tiền Phong về câu chuyện này.

Năm 2016, phải trình Chính phủ lộ trình thoái vốn

Sau khi vốn nhà nước tại 10 DN được bán, số vốn thu được sẽ sử dụng ra sao? Phải chăng việc thoái vốn do gánh nặng ngân sách và nợ công tăng?

Việc thoái vốn vào thời điểm này không phải vì ngân sách khó khăn, hay áp lực trả nợ công. Chủ yếu do vài năm trước kinh tế khó khăn, thị trường tài chính đi xuống, nếu bán cổ phần nhà nước có thể không đạt được mục tiêu bảo toàn vốn. Nhưng nay kinh tế đã dần phục hồi, cơ hội bán được tốt hơn nên SCIC trình Thủ tướng phê duyệt danh mục các DN sẽ thoái vốn trong thời gian tới.

Vậy tiêu chí nào được SCIC đưa ra để lựa chọn 10 DN sẽ thoái vốn nhà nước tới đây, thưa ông?

“Tới đây, lợi nhuận của DNNN phải được chuyển nộp ngân sách, tránh để lại cho DN như trước đây để bổ sung vốn. Vì khi DN đã bổ sung đủ vốn, phần lợi nhuận thừa họ sẽ đem đầu tư ngoài ngành”.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục  Tài chính Doanh nghiệp

Tiêu chí SCIC đưa ra, trên cơ sở bảo toàn vốn ở mức hợp lý. Việc công bố danh sách 10 DN là để các nhà đầu tư nắm thông tin, và có lộ trình, không phải lập tức bán vốn ngay, vì sẽ đẩy giá cổ phiếu lên. Cụ thể khi nào thoái vốn, chúng tôi không thể trả lời hộ SCIC được. Nhưng chắc chắn, năm 2016, SCIC phải có lộ trình thoái vốn tại 10 DN đã được duyệt để trình Chính phủ, sau đó được công khai theo kế hoạch kinh doanh hằng năm (hoặc 5 năm, thậm chí chiến lược 10 năm).

Việc SCIC thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk khiến nhiều người ngạc nhiên, vì lợi tức hằng năm DN này mang lại tới hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Trong khi trước đó, có ý kiến rằng SCIC vẫn quyết tâm giữ lại vốn tại DN này?

SCIC là công ty kinh doanh vốn nhà nước, nếu không thoái vốn những lĩnh vực tư nhân đã làm tốt có thể sẽ sa đà vào những lĩnh vực đó (để tăng lợi nhuận). Trong khi những lĩnh vực khác DN tư nhân chưa làm, cần vốn nhà nước như đầu tư phát triển hạ tầng, y tế lại bị bỏ quên. Như tôi đã nói, việc này vừa là lựa chọn của SCIC nhưng cũng dựa trên nguyên tắc mà Chính phủ quy định.

Thoái vốn tỷ đô không do áp lực nợ công ảnh 1

Ông Đặng Quyết Tiến.

Cổ phần hóa chậm do DN phải vật lộn

Hiện tiến độ thực hiện cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN) được thực hiện ra sao? Với việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), quá trình cổ phần hóa DNNN có được đẩy mạnh thời gian tới?

Theo mục tiêu của Chính phủ, hết năm 2015 phải cổ phần hóa được 432 DNNN. Tuy nhiên, tính tới hết tháng 9/2015, mới có 340 DNNN được cổ phần hóa thành công (riêng 9 tháng năm 2015 đã cổ phần hóa được khoảng 95 DNNN). Tính tới ngày 1/1/2011, cả nước có 1.309 DNNN cần phải thoái vốn, tới nay thực hiện được khoảng 25%. Riêng trong năm nay cũng khó đạt mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện còn hơn 17.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành sẽ được thực hiện trong thời gian tới, chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.

Vừa qua, việc cổ phần hóa DNNN chậm do kinh tế khó khăn, các DN phải vật lộn để tồn tại.

Cảm ơn ông!

Ngày 19/10, ông Vũ Minh Tân, Vụ phó Ngân sách Tài chính (Bộ Tài chính), cho biết: Hiện số tiền dự kiến bán vốn khoảng 3 tỷ USD mà báo chí nêu mới là “tính cua trong lỗ”. Giờ mới là chủ trương mọi thứ phụ thuộc vào lộ trình vào thoái vốn, phải thấy số tiền được bao nhiêu, mới cân đo đong đếm được dùng cụ thể vào các lĩnh vực, ngành như thế nào. Tuy nhiên, theo ông Tân, bài toán thoái vốn sẽ rất nan giải không chỉ trong năm nay mà cả giai đoạn tới bởi nên bán thế nào hiện chưa có đáp án chính thức. Ông Tân cũng khẳng định số tiền nếu thu được thoái vốn tại 10 DNNN này chỉ dành cho đầu tư phát triển vào đúng các lĩnh vực mà Chính phủ quy định chứ không có chuyện để trả nợ công  hay trả vay ngân hàng như đồn thổi.

MỚI - NÓNG