Trước đó, báo chí đưa tin, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh, “đã chỉ đạo cấp dưới rút 18.414 tỷ đồng của ngân hàng để sử dụng cá nhân”.
Hơn 18.400 tỷ đồng tính ra gần bằng 1 tỷ USD mà chỉ một ông chủ tịch ngân hàng cho dù có đầy đủ ban bệ, vẫn dễ dàng rút tiền “sử dụng cá nhân”. Dẫn chứng trên cho thấy chỉ cần kẻ có chức có quyền muốn phạm tội là có thể thực hiện được ngay hành vi, cho dù hành vi đó “vô lý”, “ngược đời” đến thế nào. Ở vụ ngân hàng Xây dựng, số tiền thất thoát gấp hơn 6 lần vốn điều lệ của ngân hàng này và ông Danh cùng nhóm cổ đông mới chỉ bắt đầu tiếp quản ngân hàng Xây dựng (tiền thân là ngân hàng TMCP Đại Tín) chưa lâu, từ tháng 2/2013. Có người bình luận rằng theo con số công bố, Việt Nam chỉ mới có một tỷ phú dollar. Nhưng nếu tính số tiền ông chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Xây dựng “hóa phép” để tiêu xài cộng với tài sản chìm nổi của ông này, chắc chắn Việt Nam đã có tỷ phú dollar thứ hai, chỉ có điều cách “làm giàu” của kiểu tỷ phú này đang làm nghèo đất nước. Người ta buộc phải đặt câu hỏi cơ chế giám sát, kiểm soát của ngân hàng đang được thực thi ra sao mà các can phạm lại có thể dễ dàng qua mặt đến vậy? Còn bao nhiêu tỷ phú dollar đang làm nghèo đất nước vẫn đang ẩn nấp, chưa bị phát hiện?
Phòng cháy, phòng bệnh bao giờ cũng nên được xem là quan trọng hơn chữa cháy, chữa bệnh. Nhưng thực tế hình như ngược lại. Người ta không thực sự đầu tư cho công tác “phòng” nên chuyện cháy nhà, dập dịch, khám chữa bệnh luôn có vấn đề. Trong công tác phòng chống tham nhũng cũng vậy, phòng trước, chống sau, nhưng xem ra công thức “không thể, không muốn, không dám” chưa phát huy hiệu lực, và cơ chế phòng, giám sát còn quá nhiều kẽ hở khiến mặt trận này kết quả thu về chưa như kỳ vọng.