Những thủ tục hành doanh nghiệp

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Nhiều quy định, thủ tục hành chính được các cơ quan quản lý ban hành nhưng không tính hết được những bất cập khi triển khai đã khiến doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Trong khi việc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, theo doanh nghiệp và chuyên gia sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm nhiều tỷ đồng.

Nguy cơ phá sản vì phải bán xe cao

Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng mới đây, ông Vũ Ngọc Quyền, Giám đốc Cty TNHH MTV Dũng Thịnh Phát (Bắc Giang), đại diện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu vừa và nhỏ đề nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, bãi bỏ nội dung quy định tại khoản 3, điều 2 Thông tư số 130 ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính (Thông tư 130).  Theo ông Quyền, quy định này buộc doanh nghiệp phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo biểu thuế mới với mức thuế cao hơn.

Công ty của ông Quyền cùng nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, quy định này đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đi ngược lại với tinh thần cải cách và hỗ trợ doanh nghiệp của Đảng và Chính phủ. Bởi lẽ, ở công ty ông có những chiếc ô tô nhập cách đây hơn 1 năm tồn không bán được, đang phải giảm giá, cắt lỗ nhằm thu hồi vốn, nay lại phải bán với giá cao hơn giá cũ 500 triệu  -1 tỷ đồng vì bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt mới.

“Thủ tục kiểm tra để dán nhãn năng lượng trong Thông tư 07 được cho là rất phức tạp, gây tốn kém chi phí xã hội. Khi có sai sót xảy ra, nguy cơ lớn nhất đối với việc dán nhãn năng lượng chỉ dừng lại ở “tốn năng lượng” hơn, chứ không ảnh hưởng đến sự an toàn. Do đó, việc thiết kế thủ tục hành chính cũng chỉ nên dừng lại ở mức độ nguy cơ tương ứng, không nên phức tạp như hiện nay”. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Theo ông Quyền, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán xe cho nhiều khách trước ngày 1/7/2016 nhưng do thủ tục nhập khẩu kéo dài (65 ngày) dẫn đến bàn giao xe và xuất hóa đơn cho khách hàng chậm. Vì vậy, dù xe đã được nhập khẩu và mở tờ khai hải quan trước 1/7 nhưng theo quy định mới vẫn phải đóng thuế  tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới từ 60% - 90%, 110%, 150% tùy theo dung tích xilanh. “Giá tăng khiến nhiều khách hàng không chấp nhận điều chỉnh giá hợp đồng đã ký, dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đề nghị Bộ Tài chính bãi bỏ quy định tại khoản 3, điều 2 Thông tư 130”, ông Quyền và các doanh nghiệp ô tô

kiến nghị.

Ông Dũng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu ở Hải Phòng cũng cho biết, công ty chuyên nhập xe cũ, chủ yếu xe Lexus GX460, không phải nhập xe để chạy thuế nhưng cũng đang  “đau khổ” vì chịu ảnh hưởng rất lớn từ Thông tư 130. “Công ty tôi nhập xe trước 1/7/2016. Theo quy định, để nhập khẩu được xe cũ phải đăng ký trước 6 tháng. Xe của Cty toàn sản xuất đời 2015, nay nếu áp dụng luật thuế mới theo Thông tư 130, mỗi chiếc xe phải chịu tổng số thuế cao hơn xe mới năm 2016 tới 10.000USD. Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua bán từ trước nhưng nay phải chịu thuế cao nên họ không chấp nhận”, ông Dũng cho biết.

Những thủ tục hành doanh nghiệp ảnh 1

Các doanh nghiệp tham dự triển lãm ô tô Việt Nam 2016. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Doanh nghiệp kêu khổ vì thủ tục

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mới đây, nhiều doanh nghiệp cũng có ý kiến gửi về VCCI liên quan đến Thông tư 07 về dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương. Theo phản ánh của doanh nghiệp, Thông tư 07 đang chồng chéo với nhiều nội dung kiểm tra khác, gây tốn kém. Điển hình như nồi cơm điện, quạt điện vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng để dán nhãn năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với các thiết bị điện và điện tử. Tương tự, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng. Cả hai thủ tục đều yêu cầu phải thử nghiệm, mỗi thủ tục phải nộp một mẫu sản phẩm để thử nghiệm, thậm chí nhiều trường hợp phải phá hủy sản phẩm có giá trị lớn.

Một bất cập khác, theo đại diện VCCI chính là việc thử nghiệm hiệu suất năng lượng mặt hàng “động cơ” đang được Bộ Công Thương chỉ định duy nhất Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) thực hiện. Trong khi nhiều doanh nghiệp phản ánh bản thân Quatest 1 cũng không làm được việc này, phải nhờ nhà máy động cơ Việt – Hung (ở Đông Anh – Hà Nội) thực hiện gây rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí cho các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp ở miền Trung, miền Nam nói riêng. “Có doanh nghiệp ở khu vực phía Nam phản ánh là họ chỉ nhập một cái động cơ điện để phục vụ sản xuất nhưng phải mang hàng ra tận Hà Nội để kiểm tra, thời gian kéo dài đến 3 tháng vẫn chưa xong”, ông Tuấn cho biết.

Tại buổi làm việc với Tổng cục Năng lượng và các thành viên trong tổ soạn thảo thông tư mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, so với Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may đã được bãi bỏ cách đây vài tuần, các quy định tại Thông tư 07 còn rườm rà, khó hiểu và gây bức xúc cho doanh nghiệp hơn rất nhiều.

“Đã đến lúc, chúng ta phải cởi trói cho doanh nghiệp. Nếu không gỡ bỏ những thủ tục phiền hà, cải cách  thể chế thì chúng ta đang cản trở sự phát triển của xã hội. Cần rà soát ngay các mặt hàng nằm trong diện điều chỉnh, thủ tục, quy định hay khâu triển khai nào còn bị phàn nàn nhiều, gây khó khăn tốn kém cho doanh nghiệp… phải đề xuất sửa ngay. Cần thiết thì bãi bỏ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG