Tiền Phong Online xin điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất của ngành Giáo dục nước nhà năm qua:
Hàng loạt tỉnh thành cho học sinh học trực tuyến |
Hàng loạt tỉnh thành cho học sinh nghỉ học, gần 3.000 học sinh lớp 1 ở TP.HCM mắc COVID-19
COVID-19 phủ bóng toàn cầu năm 2021 và đảo lộn mọi lĩnh vực. Ngành Giáo dục Việt Nam tiếp tục chứng kiến một sự gián đoạn chưa từng có.
Hàng loạt trường học đóng cửa, hoãn thi do COVID-19. Các trường đã tổ chức dạy học online để học và ôn thi khi học sinh ở nhà cũng như phải điều chỉnh lịch học cho học sinh.
Bộ GD&ĐT yêu cầu ngành giáo dục các địa phương, trường học tuyệt đối không hoang mang, nhưng cũng không lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các Sở GD&ĐT cần chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm yêu cầu phòng, chống dịch. Các nhà trường tiếp tục theo dõi sức khỏe học sinh, vệ sinh trường lớp theo quy định; điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học qua internet, trên truyền hình.
Hàng nghìn học sinh mắc COVID-19, phải đi cách ly |
Theo thống kê từ khai báo của phụ huynh học sinh lớp 1, hồi đầu tháng 12, TPHCM có khoảng 1.446 em đang cách ly, 2.781 học sinh mắc COVID-19, 5.651 học sinh đang ở tỉnh. Trong đó nhiều nhất là ở TP.Thủ Đức với 662 em; huyện Hóc Môn là 331 em, quận 12 là 287 em, quận Gò Vấp 198 em…
Ngoài ra, cũng hàng trăm giáo viên, học sinh ở các tỉnh thành khác cũng bị mắc COVID-19.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 29/11, chỉ có 9 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đến trường học trực tiếp. Các địa phương còn lại phải dạy học trực tuyến và qua truyền hình hoặc kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Nhiều trường học ở các địa phương mở cửa nhưng khi có học sinh, giáo viên bị mắc COVID-1 thì lại lập tức đóng cửa. Nhiều nơi trong tình trạng thay đổi kế hoạch đi học phút chót.
Việc cho con đến trường trở lại tạo ra một cuộc chia rẽ phụ huynh ở Sài Gòn, Hà Nội khi một bên bảo vệ quan điểm cần đưa trẻ đến trường, trẻ không thể ở nhà lâu hơn nữa. Mặt khác, một bên phụ huynh họ cảm thấy không yên tâm khi cho con đến trường trong tình hình dịch vẫn căng thẳng như vậy. Đầu tháng 12, theo kết quả khảo sát của ngành GD&ĐT TP.HCM đối với phụ huynh lớp 1 về việc cho con em đi học trực tiếp theo chủ trương thí điểm mở cửa trường học của UBND TP.HCM, chỉ có 29,82% phụ huynh đồng thuận việc này.
Mức trúng tuyển đại học tiếp tục tăng kỷ lục |
Giáo dục trực tuyến và chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Trong bối cảnh trường học cả nước đóng cửa vì COVID-19, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để "không thể dừng việc học" được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) để các em có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.
Thay mặt ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp nhận ủng hộ máy tính của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại Lễ phát động |
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang dạy, học trực tuyến, trong đó có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến. Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.
Bộ GD&ĐT có “tư lệnh mới”
Sáng 8/4, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2021-2026, thay người tiền nhiệm là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu kỳ vọng, tân Bộ trưởng Kim Sơn với những kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục sẽ thúc đẩy đào đạo nguồn nhân lực cao cho phát triển đất nước.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH Bắc Giang) cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ của ngành giáo dục đòi hỏi phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, để những vị trí chức danh lãnh đạo này có trách nhiệm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
"Tôi cho rằng, nhân sự lần này đã được Trung ương lựa chọn kỹ để giới thiệu. Chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ rất kỹ và cũng thấy yên tâm, tin tưởng Bộ trưởng mới có đủ năng lực, phẩm chất để giải quyết những thách thức đang đặt ra đối với ngành giáo dục, để tiếp tục thúc đẩy đổi mới giáo dục-đào tạo, kể cả hệ đại học và các bậc phổ thông, để giáo dục phải cùng với khoa học công nghệ là những lĩnh vực đi đầu cho phát triển đất nước", đại biểu Trần Văn Lâm kỳ vọng.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn |
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức vụ bộ trưởng Bộ GD&ĐT: "Tôi xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà mình tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài.
Đối với tôi, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Hơn một triệu người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục, trong đó có tôi, không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó".
Cũng nhân dịp này, người đứng đầu ngành giáo dục gửi thư tới các thầy cô giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục.
“Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta”- PGS.TS Nguyễn Kim Sơn viết.
Đầu tháng 5/2021, khi làm việc với GD&ĐT, trong nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mong muốn ngành giáo dục cần phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Trước chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT vừa qua. Trong đó, có yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Mức trúng tuyển đại học tiếp tục tăng kỷ lục
Nếu năm 2020, điểm chuẩn đại học ‘bùng nổ’ khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng thì năm nay, điểm chuẩn nhiều ngành tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Có những ngành mà điểm chuẩn đã tăng 9 - 11 điểm, mức tăng từ 2- 4 điểm cũng không hiếm.
Điểm chuẩn cao nhất năm nay thuộc về ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị CAND, lên tới 30,34 điểm với nữ (khối C00). Xếp thứ 2 trong khối các trường công an là điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân với mức 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01.
Ngành Hàn quốc học (khối C00) của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn tiếp tục lấy điểm chuẩn 30/30 vào năm nay. GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường này từng lý giải, chỉ tiêu vào ngành học này vốn không cao nhưng nhà trường đã xét tuyển thẳng hơn một nửa số chỉ tiêu. Cũng ở trường này, có những ngành mà điểm chuẩn khối C00 cũng ở mức gần tuyệt đối như Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm).
Điểm chuẩn nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin tiếp tục nằm trong top đầu. Năm nay, điểm chuẩn của những ngành học này không có nhiều biến động, nếu có tăng thì chỉ tăng ở mức rất ít do điểm chuẩn đã luôn ở mức rất cao trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đây là điều không bất ngờ bởi số lượng thí sinh năm nay nhiều hơn mọi năm, đề thi tốt nghiệp THPT được cho là ‘dễ thở’ hơn so với những năm trước, đặc biệt với các tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh. Trong khi đó, các trường đại học ngày càng đa dạng về phương thức xét tuyển.
Việt Nam có 5 đại diện lọt top bảng xếp hạng thế giới |
Nhiều trường đại học của Việt Nam lọt top bảng xếp hạng thế giới
Các tạp chí Times Higher Education đã công bố bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2022. Năm nay, Việt Nam có 5 đại diện.
Theo Times Higher Education (THE), 5 đại diện của Việt Nam gồm: trường đại học (ĐH) Duy Tân, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và hai ĐH Quốc gia.
Có thể thấy, so với bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2021, Việt Nam có thêm 2 gương mặt mới là trường ĐH Duy Tân, trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Được biết, bảng xếp hạng năm nay bao gồm hơn 1.600 trường ĐH trên 99 quốc gia và vùng lãnh thổ. THE đánh giá đây là bảng xếp hạng các trường ĐH lớn nhất và đa dạng nhất cho đến nay.
29 người Việt vào top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 2021 |
29 người Việt vào top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 2021
Các nhà khoa học Việt có tên trong danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu.
Bảng xếp hạng vừa được đưa ra bởi nhóm Metrics của giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ) do tạp chí PLoS Biology công bố.
Theo bảng xếp hạng, có 146 cá nhân đang công tác tại các trường đại học của Việt Nam trong đó có 29 người là nhà khoa học Việt. Trong top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, Việt Nam có 5, gồm: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, PGS.TS Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội); GS.TS Nguyễn Xuân Hùng (trường Đại học công nghệ TP HCM), GS.TS Bùi Tiến Diệu (trường Đại học Duy Tân) và GS.TS Võ Xuân Vinh (trường Đại học kinh tế TP HCM).
Trong số này, GS Nguyễn Đình Đức, GS Nguyễn Xuân Hùng và PGS.TS Lê Hoàng Sơn đều lọt vào top 3 năm liên tiếp 2019, 2020 và 2021.
Trong danh sách có nhiều nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại các trường đại học của Việt Nam như Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Phenikaa.
Trong bảng xếp hạng cũng có nhiều nhà khoa học Việt đang làm việc tại nước ngoài như GS Đàm Thanh Sơn (Mỹ, xếp hạng 7.301) hay PGS Bùi Quốc Tính (Nhật Bản, xếp hạng 9.639)...
PGS Trần Xuân Bách (sinh năm 1984), giảng viên Đại học Y Hà Nội, |
Đặc biệt, trong danh sách 29 người có những nhà khoa học trẻ, như PGS Trần Xuân Bách (sinh năm 1984), giảng viên Đại học Y Hà Nội, đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu. Năm 2016, anh trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32.
"Không chỉ ngành ngôn ngữ Anh mà tất cả các ngành trường đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đều chưa được cấp phép", thông tin được Bộ GD-ĐT khẳng định trong văn bản trả lời báo chí gây "sốc" trước đó.
Nhiều trường hợp sử dụng văn bằng cử nhân tiếng Anh do trường này cấp đều là những người có uy tín, địa vị xã hội… Đáng chú ý có 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.
Về sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo "chui" văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô, ông Phùng Xuân Nhạ khi đó còn là Bộ trưởng khẳng định: "Đây là dịp để tiếp tục chấn chỉnh đào tạo tại các trường. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm nếu như các đơn vị thuộc Bộ mà vi phạm".
Chiều 24/12, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 10 bị cáo trong vụ án Trường đại học Đông Đô cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả để thu lợi trên 7 tỉ đồng. Tòa tuyên phạt bị cáo Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng Trường đại học Đông Đô, mức án 12 năm tù về tội giả mạo trong công tác, cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc trong lĩnh vực giáo dục trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Cùng tội danh trên, hai bị cáo Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, đều là hiệu phó, lần lượt bị tuyên 10 năm tù và 9 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 12 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.
Theo bản án, Trường đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành tiếng Anh.
Quá trình tuyển sinh đào tạo, ông Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT trường, hiện đang bỏ trốn) thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo ban giám hiệu, Viện đào tạo liên tục, Viện 4.0… thực hiện cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.
Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Trao tặng Huân chương Lao động cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế |
Trao tặng Huân chương Lao động cho học sinh đoạt giải Olympic quốc tế
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới, Ban Tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế quyết định tiếp tục tổ chức thi theo hình thức trực tuyến.
Để các học sinh không đánh mất cơ hội được thi tài cùng bạn bè quốc tế, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế với phương án thi phù hợp và an toàn.
Kết quả, tất cả thí sinh của 7 đoàn tham gia dự thi đều đoạt giải, gồm 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức vì đại dịch COVID-19 nhưng các đội tuyển đã vượt mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích xuất sắc rất đáng tự hào tại kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021, các em đã đem vinh quang về cho đất nước, để hôm nay các em và các thầy cô, các đội tuyển được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, được nhận quà của Chủ tịch nước ngay tại Phủ Chủ tịch trong buổi Lễ tuyên dương, gặp mặt trang trọng, đầy ý nghĩa và ấm áp tình cảm.
Các đoàn học sinh giỏi Việt Nam dự thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế của nước ta đều đạt kết quả cao, ổn định trong nhiều năm và có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước.
Thầy Phan Khắc Nghệ livetream ôn tập cho học sinh. |
Bất thường đề thi tốt nghiệp, nhiều vấn đề Bộ GD&ĐT chưa trả lời rõ ràng
Đề ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) được một giáo viên khác (thầy Đinh Đức Hiền) chỉ ra giống đề thi chính thức đến 80%.
Trao đổi với báo chí ngày 28/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết ngay từ đầu tháng 8/2021, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo kiểm tra vấn đề này. "Thực tế suốt 4 tháng qua, Bộ GD&ĐT tích cực phối hợp với Bộ Công an làm việc chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan. Bước đầu có kẽ hở đã khiến cho một vài cá nhân khai thác. Quan điểm xuyên suốt của Bộ GD&ĐT là nghiêm túc đánh giá, xử lý vi phạm và đánh giá khách quan tác động. Sẽ chấn chỉnh, có biện pháp xử lý cá nhân sai phạm" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Tuy nhiên, thầy Hiền cho rằng còn nhiều vấn đề Bộ GD&ĐT chưa trả lời rõ ràng: “Thứ nhất, nếu như báo chí đăng, kết quả thẩm định của Tổ chuyên gia đã có từ tháng 8/2021 và kết luận có sự bất thường, nhưng Bộ đã không đưa ra bất kì thông tin nào. Trong khi đó, ngày 16/11/2021, trong email Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hồi đáp tôi lại nói rằng chưa đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm. Tại sao lại có sự bất nhất trong thông tin từ Bộ GD&ĐT và việc Bộ để thông tin quá lâu mà không công bố liệu có vấn đề gì khác?.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT khẳng định có bất thường, sẽ xử lý vi phạm nhưng bất thường đến đâu, mức độ vi phạm như thế nào lại không đề cập. Đề thi là bí mật Nhà nước cấp độ tối mật, sự trùng khớp bất thường này có phải là dấu hiệu lộ đề, lộ bí mật Nhà nước hay không?
Thứ ba, nếu cá nhân, tổ chức sai phạm, vậy quy trình xây dựng và ra đề hiện nay có lỗ hổng hay không, và lỗ hổng ở đâu?”, thầy Đinh Đức Hiền nêu quan điểm.