Ba đề xuất gửi tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đừng để mong muốn chỉ là mong muốn

0:00 / 0:00
0:00
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
TPO - Thầy giáo, ThS. Nguyễn Thành Công, giáo viên THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, những đề xuất gửi tâm tư đến tân Bộ trưởng Giáo dục gần đây như về cải cách sách giáo khoa; vấn đề học ngoại ngữ và đối thoại với giáo viên còn rất điều cần phải bàn. Nếu không, mong muốn vẫn chỉ là mong muốn.

Liên quan đến những đề xuất của một giáo viên gửi đến tân Bộ trưởng Giáo dục - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Thầy giáo, ThS. Nguyễn Thành Công, giáo viên THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có những chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong.

Là người làm trong ngành giáo dục khá lâu, thầy giáo Công nhận ra rằng, ngay khi ngồi vào “chiếc ghế nóng” của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận được nhiều kì vọng về sự đổi mới có 3 đề xuất của ThS Nguyễn Quang Thi đến từ trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng bao gồm: Cải cách sách giáo khoa; vấn đề học ngoại ngữ và đối thoại với giáo viên và vấn đề xây dựng học kì quân 3 tháng để rèn luyện và cắt giảm một số vị trí quản lí.

“Tôi nghĩ rằng, các ý kiến này đều xuất phát từ mong muốn, từ trách nhiệm của cá nhân thầy Thi và nhiều người (nhiều ý kiến ủng hộ), tuy nhiên để thực hiện được, còn rất nhiều điều đáng bàn”- thầy Công nêu quan điểm.

Ba đề xuất gửi tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đừng để mong muốn chỉ là mong muốn ảnh 1

Thầy giáo, ThS. Nguyễn Thành Công, giáo viên THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Không đồng tình đề xuất quay lại 1 bộ sách giáo khoa thống nhất

Thầy giáo, ThS. Nguyễn Thành Công, giáo viên THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, chủ trương của Bộ là một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa. Theo quan điểm của thầy Công, đó là một xu thế tiến bộ.

Vì theo thầy Công, mục đích của chương trình không chỉ cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng cho người học mà còn hướng tới hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực cá nhân. Điều này giúp người học không chỉ tích lũy kiến thức mà còn có thể áp dụng linh hoạt kiến thức đó vào cuộc sống.

Mặt khác, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ” thể hiện tính dân chủ trong giáo dục, và do đó tôi không đồng tình với đề xuất quay lại 1 bộ sách giáo khoa thống nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa đó, thầy Công cho rằng cần phải đảm bảo những yếu tố:

Thứ nhất, nâng cao trình độ và cách nhìn nhận của giáo viên để giáo viên hoàn toàn có thể “thoát” khỏi sách giáo khoa trong quá trình giảng dạy, sách giáo khoa chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu của chương trình tổng thể cũng như chương trình môn học. Không còn coi sách giáo khoa là “thánh chỉ” phải theo răm rắp. Giáo viên có thể tham khảo nhiều sách khác nhau, nhiều kiến thức thực tiễn liên quan đến kiến thức sách giáo khoa từ đó xây dựng giờ dạy sao cho đạt hiệu quả nhất phù hợp với chương trình.

Thứ hai, sách giáo khoa là một loại hàng hóa đặc biệt, mỗi bộ sách giáo khoa của một nhà xuất bản có thể được tồn tại hay không sẽ tuân theo quy luật cung cầu và dựa trên phản hồi của người sử dụng. Tuy nhiên, vì nó là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan đến sự phát triển tri thức của cả một hệ thống giáo dục nên nó cần được:

Thứ ba, biên soạn bởi các nhà khoa học giáo dục đủ tài, đủ tâm, đủ tầm và đủ kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy.

Thứ 4, thẩm định bởi một hội đồng khoa học để đảm bảo hạn chế đến mức tối thiểu những hạt “sạn” xuất hiện trong sách.

Ngoài ra, trước để xuất của thầy Thi về việc sách giáo khoa có 2 phần: kiến thức cần đạt được và kiến thức mở rộng , thầy Công cho rằng cũng là không nên; nên trao quyền đó cho giáo viên; giáo viên là người rõ nhất nắm được tình hình học tập và khả năng của mỗi học trò.

“Chúng ta nên hiểu rằng: Từ triết lí chung của chương trình giáo dục, các nhóm tác giả khác nhau viết mỗi bộ sách giáo khoa khác nhau theo cách tiếp cận và phương pháp riêng từ đó sẽ tạo ra sự đa dạng trong thống nhất; đến lượt mình, giáo viên lại dùng kiến thức đã học, kiến thức thực tế trở thành người đồng thiết kế bài học phù hợp với từng đối tượng học sinh”- thầy Công nhấn mạnh.

Học ngoại ngữ: Không thể “cắt tiết” môn khác để thay thế bằng môn ngoại ngữ

Thầy giáo, ThS. Nguyễn Thành Công, giáo viên THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), theo bảng xếp hạng của EF English Proficiency Index (EPI) công bố cuối năm 2020 thì Việt Nam đứng thứ 65/100 quốc gia về khả năng sử dụng tiếng Anh (mức thấp trong số các mức: rất cao – cao – trung bình – thấp – rất thấp). Điều này phản ánh đúng kết quả đào tạo môn tiếng Anh tại bậc trung học.

Thầy Công quan điểm, chúng ta cần có hệ thống các giải pháp giải quyết vấn đề này chứ không phải là việc “cắt tiết” môn khác để thay thế bằng môn ngoại ngữ vì dù thời lượng học có tăng lên nhưng học chỉ đối phó với các kì thi thì chất lượng cũng sẽ không thể tăng tương ứng được. Bác Hồ nói “học phải đi đôi với hành”.

Quả thực việc thực hành giao tiếp tiếng Anh trong trường phổ thông còn có nhiều hạn chế. Do vậy, cần tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận với người bản ngữ nhiều hơn thông qua việc tuyển/sử dụng các tình nguyện viên quốc tế.

Đặc biệt trong điều kiện hiện tại, việc này có thể hoàn toàn thực hiện qua các công cụ trực tuyến. Thay đổi cấu trúc của đề thi, kiểm tra và đánh giá với các phần nghe, nói, đọc, viết hoàn chỉnh hơn là tập trung nhiều vào vấn đề viết, ngữ pháp…

Bộ trưởng đối thoại với giáo viên, việc làm cần thiết

Thầy Công cho rằng, việc đối thoại giữa Bộ trưởng và các cấp quản lí, các giáo viên trực tiếp giảng dạy là cần thiết. Ngày nay, việc tổ chức các cuộc họp, cuộc gặp gỡ trên một quy mô lớn hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ các công cụ trực tuyến.

Việc lắng nghe tâm tư tình cảm của giáo viên; góp ý về các bất cập, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy giúp các cơ quan tham mưu tập hợp và đánh giá các ý kiến từ phía giáo viên, tham mưu cho Bộ trưởng để có thể giải quyết các vấn đề lớn, cấp thiết; chỉ đạo các cấp dưới giải quyết các vấn đề nhỏ hơn. Điều này giúp Bộ trưởng “gần dân” hơn và nắm được những thông tin đa chiều hơn từ đó làm tăng sự đúng đắn trong các quyết sách của mình hay các tham mưu với Chính phủ.

Học quân sự: nên 3 tuần thay cho đề xuất 3 tháng, không sẽ bị xáo trộn

Về vấn đề 3 tháng học quân sự của học sinh, thầy Công cho rằng, một số Quốc gia trên thế giới có nghĩa vụ quân sự bắt buộc với các công dân: Hàn Quốc; Thụy Sĩ và nhiều nước khác… với mức độ và thời gian huấn luyện, phục vụ quân đội khác nhau.

Môi trường quân đội là môi trường tốt để rèn luyện tính kỉ luật, tăng cường ý chí và rèn luyện tư tưởng.

“Tôi ủng hộ việc giáo dục quốc phòng cho thanh niên để rèn luyện kỉ luật, ý chí, hiểu biết và thực thi pháp luật, lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Tuy nhiên, việc thực hiện 3 tháng quân sự ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tuyển sinh của các trường, kế hoạch học tập, du học của học sinh”- thầy Công nêu quan điểm.

Thầy Công cho rằng, theo mô hình của Thụy Sĩ, các nam thanh niên sau 20 tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 3 tuần, nếu không thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể chọn phục vụ cộng đồng thay thế.

Chúng ta có thể học tập mô hình này nhưng có thay đổi một số điểm cho phù hợp như: Các học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục ngoài quân đội hoàn thành môn giáo dục Quốc phòng;

Các thanh niên không tham gia các cơ sở giáo dục phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 1 khoảng thời gian ngắn như mô hình của Thụy Sĩ;

Các thanh niên đủ điều kiện sức khỏe sau khám tuyển nghĩa vụ quân sự được thực hiện nghĩa vụ quân sự như hiện hành.

“Tuy nhiên, việc này Bộ trưởng không quyết định được; Chính phủ không quyết định được mà phải được Quốc Hội nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng thực thi, nguồn lực… mới có thể xây dựng thành thành luật được. Nếu không, mong muốn vẫn chỉ là mong muốn.”- Thầy Công nói.

Kính mời bạn đọc góp ý, hiến kế, nêu các ý tưởng đề xuất về cải cách giáo dục, những tâm tư gửi gắm đến Tân Bộ trưởng Giáo dục với mong muốn đổi mới, thúc đẩy sự phát triển cho ngành giáo dục nước nhà. Mọi thông tin xin gửi về hộp thư: http://www.online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG