Những công nghệ xanh vì thực phẩm sạch

Anh Trần Thái Dương, một doanh nhân khởi nghiệp bên cạnh sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Anh Trần Thái Dương, một doanh nhân khởi nghiệp bên cạnh sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Lễ trao giải khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra sáng qua ở Hà Nội quy tụ 19 doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc. 

Các doanh nghiệp này vượt qua 300 doanh nghiệp khác trong cuộc tuyển chọn gần 2 năm của Bộ KH&CN và chuyên gia độc lập của Ngân hàng Thế giới, hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và biến đổi khí hậu.

Đem công nghệ Âu, Mỹ về Việt Nam

GlobalG.A.P (viết tắt của Global Good Agricultural), dịch là Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu là Chương trình chứng nhận trang trại uy tín, được sử dụng và chấp nhận rộng rãi nhất trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ. Trọng tâm của GlobalG.A.P là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. GlobalG.A.P yêu cầu  các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt, bắt đầu từ chuẩn bị nông trại đến sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm. Khác biệt nhất của GlobalG.A.P  là việc truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ. Vào trang web, nhập mã truy vết có trên bao bì sản phẩm, khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về quá trình canh tác của sản phẩm. GlobalG.A.P trực tiếp quản lý các nhà sản xuất ở các quốc gia. Họ cấp cho mỗi nhà sản xuất một số GGN, được in trên bao bì để nhận biết sản phẩm có đạt chuẩn GlobalG.A.P không.

Với mong muốn mang đến các thực phẩm sạch, Công ty Cổ phần Skyfarm – một doanh nghiệp khởi nghiệp của những người trẻ ở Hà Nội đã bỏ ra hơn một triệu đô USD để đưa mô hình này về Việt Nam. Mặc dù đang ở giai đoạn bước đầu (thử nghiệm ở quy mô 10ha, sản lượng một tấn mỗi tháng, chủ yếu là rau quả theo mùa) nhưng mô hình này được Ban tổ chức là Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH (thuộc mạng lưới toàn cầu của Chương trình phát triển công nghệ ứng phó với BĐKH của Ngân hàng thế giới) đánh giá cao về tính bền vững và thân thiện với môi trường. Theo BTC, mô hình này sẽ giúp giảm lượng phân bón và thuốc BVTV xuống còn 20%, giảm lượng nước tưới xuống còn 30%. Đây chính là mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Một công nghệ khác của doanh nghiệp khởi nghiệp được chú ý nhiều là hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED. Một hệ thống chiếu sáng gồm 30 (hoặc 50) bóng đèn LED công suất 150W, hai đèn LED thả chìm, một đèn LED thả sâu 50 mét để dẫn dụ cá dưới sâu và một máy phát điện nhỏ. Ứng dụng loại đèn này vào thực tế giúp tiết kiệm 80% điện năng của tàu cá. Qua đó, tiết kiệm 60% lượng dầu Diesel sử dụng cho ánh sáng của mỗi tàu (trung bình khoảng 2000-3000 lít/tàu/tháng), giúp giảm 60 tấn CO2/tàu/năm. Công nghệ này cũng giúp tránh các bệnh nghề nghiệp do đèn Metal Halide gây ra như lòa mắt, bỏng da, ung thư da.

Nhiều công nghệ khác được vinh danh sáng qua được đánh giá cao về mức độ thân thiện môi trường, gần gũi cuộc sống như Mô hình sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ khép kín không chất thải tại Việt Nam, công nghệ lưới điện mặt trời mini, công nghệ bếp Gas sinh khối cho người thu nhập thấp, công nghệ phân xanh hữu cơ từ chất thải công nghiệp hay hệ thống trạm thời tiết khí hậu tự động dự báo, cảnh báo tự động thời tiết, sâu bệnh phục vụ nông nghiệp và dân cư…

Điểm đến mới cho doanh nghiệp cần công nghệ sạch

19 doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ nhận được tài trợ từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với Biến đổi khí hậu (VCIC) với hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn thiết kế ý tưởng công nghệ, cung cấp chuyên gia công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các phòng thí nghiệm để kiểm định, hiệu chuẩn công nghệ.

VCIC là sáng kiến của Chương trình phát triển Công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu của Nhóm Ngân hàng thế giới do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ quản. Trung tâm này đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thực hiện thương mại hóa, nhân rộng các giải pháp tư nhân sáng tạo nhất để đối phó với biến đổi khí hậu. Các hỗ trợ gồm tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực, huy động vốn ở những nơi đang thiếu vốn, hỗ trợ tiếp cận công nghệ thị trường để doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội phát triển các công nghệ gần gũi, thân thiện với môi trường.

Theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tháng 12/2015, tại COP 21, sau 20 năm đàm phán căng thẳng, lần đầu tiên 196 quốc gia tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đã đi đến một thỏa thuận bắt buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí carbon, mở ra một kỳ nguyên mới của thế giới, kỷ nguyên năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, điểm quan trọng nhất mà 196 nước đồng thuận là việc giảm nhẹ phát thải đủ nhanh để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thấp hơn đáng kể ngưỡng 2 độ C, hướng tới ngưỡng 1,5 độ C. Các nước phát triển cam kết đóng góp ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm đồng thời chuyển giao tài chính, công nghệ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Việc phát triển các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường cũng sẽ là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp trong những năm tới.

MỚI - NÓNG