Tỉnh Bình Thuận hiện có 48 hồ chứa nước có quy mô lớn, trung bình và nhỏ, các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ.
Từ đầu tháng 2/2024 đến nay hầu như sông, suối, kênh dẫn nước tại địa bàn hai xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) đã trơ đáy. Vì không có nước tưới nên hơn 2.000 ha đất sản xuất nơi đây đang bỏ hoang. Trong khi đó, một số khu vực ở xã Hàm Cần, người dân phải đào hố dưới lòng sông để lấy nước sinh hoạt, ăn uống và cho gia súc.
Tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, phần lớn là đồng bào dân tộc sinh sống. Tất cả ruộng đất nơi đây đã bỏ hoang từ tháng 11/2023 đến nay chưa thể sản xuất được. Điều đáng nói, tình trạng đất đai bỏ hoang, cây trồng chết khô, héo úa, người dân không có nước sử dụng đã tồn tại từ nhiều năm qua mà chưa có giải pháp khắc phục
Trên địa bàn Hàm Thuận Nam có ba hồ chứa nước lớn là hồ Tà Mon, đập Hàm Cần và hồ Ba Bàu. Qua rà soát, đập Hàm Cần đã hết nước từ tháng 12/2023. Theo đó, hồ Tà Mon đã dừng cung cấp nước từ đầu tháng 3/2024 vì hết nước; hồ chứa nước Ba Bàu dự kiến sẽ dừng cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vào ngày 4/4/2024. Hiện lượng nước ít ỏi của hồ chứa nước Ba Bàu sẽ dùng cung cấp nước thô cho nhà máy nước phục vụ sinh hoạt.
Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh Bình Thuận có 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt, lượng nước tại các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn 115/363 triệu m3 đạt 31 % thiết kế. Nếu tình trạng nắng nóng, hạn hán tiếp tục kéo dài thì nguồn nước cho cây trồng, vật nuôi và sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Đập thủy lợi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã khô cạn, trơ đáy. |
Rốt ráo bảo vệ nguồn nước
Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phần lớn tập trung vào 7 lưu vực sông chính gồm: Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh và La Ngà, trong đó tập trung nhiều ở lưu vực sông Lũy và La Ngà. Tổng chiều dài các sông chính và phụ trên địa bàn dài khoảng 1.977km. Do lượng nước phân bố tự nhiên không đều đã dẫn đến hạn hán vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa.
Để quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu cấm các hoạt động xây dựng, sản xuất, xả nước thải sinh hoạt, rác thải… nhằm đảm bảo vệ sinh và chất lượng nguồn nước.
Đối với khu vực lấy nước mặt phải có biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước và bộ phận chắn rác tại vị trí lấy nước, đối với khu vực khai thác nước dưới đất phải có hàng rào bảo vệ các giếng, và hạn chế xả thải theo hình thức thấm đất vào khu vực bảo hộ của các giếng khai thác.
Theo quy hoạch, Bình Thuận sẽ có hai hồ chứa nước lớn là hồ Ka Pét với trên 51 triệu m3 đã được Quốc hội thông qua và hồ La Ngà 3 với dung tích thiết kế trên 400 triệu m3.
Để ứng phó tình trạng hạn hán, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí nước, chủ động khai thác, sử dụng nguồn nước tại chỗ từ giếng khoan, giếng đào của hộ gia đình phục vụ sinh hoạt, vận động người dân xây bể, mua bồn tích trữ nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô. Ngành nông nghiệp phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước nhằm đảm bảo đủ nước sạch cho người dân.
Một trong những giải pháp chống hạn cho huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và một số địa bàn lân cận trong tỉnh Bình Thuận nói chung là việc sớm triển khai xây dựng hồ chứa nước Ka Pét.
Có nguồn nước từ Ka Pét, vùng đất khô cằn, sỏi đá của các vùng đồng bào dân tộc nơi đây sẽ có điều kiện phát triển, giúp ổn định cuộc sống và không còn đối mặt với nỗi lo muôn thuở vì thiếu nước.
Phối cảnh dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận |
Năm 2023 dự án hồ Ka Pét được Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 101/2023 với dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3. Diện tích đất sử dụng của dự án là 697,73 ha với tổng mức đầu tư hơn 874 tỉ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2025.
Đối với nước sinh hoạt, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng có chủ trương triển khai thực hiện nâng cấp 15 hệ thống công trình nước sạch để dẫn nước sinh hoạt cho dân. Đối với vùng khô hạn, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương đưa nước đến cho người dân để đảm bảo có nước sinh hoạt”.
Trước diễn biến nguy cơ mùa khô kéo dài dẫn đến hạn hán cục bộ, thời gian qua, UBND Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát và yêu cầu các chủ công trình thực hiện việc giám sát mực nước, lưu lượng, chất lượng nước tại công trình khai thác nguồn nước mặt và nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sử dụng, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình, trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước, phải ngăn chặn xử lý kịp thời.
Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương hơn 519 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2025. Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết…