Ngày 12/12, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Đồng Tháp và đại biểu thực hiện nghi thức chính thức công bố chương trình khôi phục sếu đầu đỏ tại Tràm Chim. |
Mục tiêu chung của Đề án nhằm phục hồi và phát triển sếu đầu đỏ tại Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Dự kiến trong 10 năm đầu, Đồng Tháp sẽ đưa về Tràm Chim 100 cá thể sếu từ Thái Lan về nuôi, nhân giống và thả ra tự nhiên, trong đó có ít nhất 50 cá thể sống tốt quanh năm tại Tràm Chim.
Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ của tỉnh Đồng Tháp nhận được sự ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, như Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Hội Sếu quốc tế, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan; Hiệp hội Vườn thú Việt Nam; Thảo cầm viên; Vườn thú Korat…
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn, con người... làm hệ sinh thái tại Tràm Chim thay đổi. Dẫn tới sự suy thoái động, thực vật, trong đó có cây Năng kim - thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ bị thu hẹp dần. Điều này đã ảnh hưởng tới nguồn thức ăn của sếu khi di cư về Tràm Chim.
Ông Nghĩa cũng chỉ ra sự tác động của con người, đặc biệt việc canh tác nông nghiệp, làm thu hẹp môi trường sinh sống, kiếm ăn của sếu đầu đỏ, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày ít dần (có năm sếu không về).
“Việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim là yêu cầu cấp bách, bởi chúng đưa ra chỉ dấu về môi trường trong lành, sự phục hồi các giá trị tự nhiên”, ông Nghĩa nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. |
Năm 2024, hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Tràm Chim dần phục hồi, đặc biệt các vùng cây Năng kim và lúa "ma" được mở rộng, tạo môi trường sinh sống và nguồn thức ăn phong phú cho sếu đầu đỏ. Nhờ đó, một số cá thể sếu đầu đỏ đã về lại vườn trong thời gian ngắn.
Để khôi phục sếu đầu đỏ tại Tràm Chim, tới nay, Đồng Tháp đã ký biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với đối tác của Thái Lan để tiến tới nhập sếu nuôi về Tràm Chim chăm sóc; Khôi phục sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương theo hướng hữu cơ; đầu tư chuồng trại, nhân sự sẵn sàng đưa sếu về chăm sóc...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Quốc Trị lưu ý, tỉnh Đồng Tháp cần quy hoạch vùng đất ngập nước cụ thể, cải tạo tự nhiên, trồng cỏ Năng... để tạo nguồn thức ăn cho sếu đầu đỏ. Tổ chức, hướng dẫn người dân sinh sống quanh khu vực Tràm Chim chuyển hướng kinh tế bền vững, kết hợp với khai thác du lịch có hình ảnh sếu đầu đỏ... Từ đó tạo thu nhập ổn định cho người dân, nâng cao ý thức tham gia vào hoạt động bảo tồn sếu đầu đỏ.
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp), diện tích hơn 7.300ha, với hệ sinh thái đất ngập nước điển hình khu vực Đồng bằng sông Cửu long. Hiện vườn có 130 loài thực vật, 130 loài thủy sản nước ngọt, 231 loài chim đặc hữu (trong đó có sếu đầu đỏ).
Năm 2012, Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới, do Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận.
Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng |
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Giới thiệu học sinh về Sếu đầu đỏ. |
Tham gia Trekking quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim. |
Du khách hào hứng chụp ảnh check in tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. |