Nhiều bất cập trong biên soạn, lựa chọn SGK

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 3 năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, hôm qua (26/10) Liên hiệp các hội Khoa học và kĩ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng, chủ trương xã hội hóa biên soạn, phát hành sách.

PGS Đào Thái Lai, Hội tâm lí - Giáo dục Việt Nam cho rằng, nội dung SGK đã được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Các SGK được biên soạn có phong cách khác nhau, chất lượng sách nâng lên do có tính cạnh tranh.

“Khi xã hội hóa không tránh khỏi việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm tác giả, NXB, chạy chọt các cơ quan quản lí địa phương để chọn bộ sách của đơn vị”.TS Hoàng Ngọc Vinh

PGS Lai cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập, tồn tại khi triển khai chương trình, SGK mới liên quan đến lựa chọn, thẩm định sách. Ông ví dụ, năm đầu tiên thay sách, quyền lựa chọn dạy học bộ sách nào được giao về cho các cơ sở giáo dục. Đến năm thứ 2, việc này lại thuộc quyền của tỉnh/thành phố. “Điều này dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau. Kết quả, ở nhiều nơi “tiếng nói” của giáo viên không có trọng lượng. Vẫn có những kênh thông tin hướng dẫn ngầm là nên chọn sách nào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không nằm ở chỗ giáo viên chưa đủ trình độ lựa chọn mà liên quan đến chi phí phát hành của các nhà xuất bản (NXB)”, ông Lai nói.

Nhiều bất cập trong biên soạn, lựa chọn SGK ảnh 1

Sau 3 năm triển khai chương trình, SGK mới các chuyên gia nhìn nhận vẫn còn nhiều bất cậpảnh: Quỳnh Anh

Ngoài ra, việc cung ứng SGK tới tay học sinh còn chậm, thiếu; giá sách vượt khả năng tài chính của một số gia đình chỉ vì sách in màu, khổ lớn; SGK chưa được sử dụng nhiều lần… “Cần thiết phải xem lại phương thức lựa chọn SGK, giảm giá bán và lập kế hoạch cho học sinh sử dụng sách nhiều lần. Xây dựng bộ SGK điện tử cung cấp miễn phí trên mạng internet để học sinh, giáo viên tự đọc khi cần”, ông đề nghị.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng bản thân chương trình GDPT 2018 chưa được thử nghiệm bài bản, ảnh hưởng nội dung, phương pháp sư phạm thể hiện trong SGK. Riêng các SGK cũng chưa kịp thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá một cách khách quan và có điều chỉnh trước khi in ấn.

Cũng có nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, bổ sung thêm thời gian, số tiết thực nghiệm SGK trước khi phát hành bởi trước đây, trong chương trình hiện hành, sách được thực nghiệm kéo dài 3-4 năm và chỉnh sửa khá kĩ càng, trong khi hiện nay thực nghiệm ít, không công bố kết quả. Điều này dẫn đến thực tế có sự bất cập rất lớn như 1 giáo viên đào tạo đơn môn buộc phải dạy 2-3 môn cùng lúc trong môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội như hiện nay.

Cần tập huấn cho giáo viên kĩ hơn

Bộ GD&ĐT đánh giá trong tất cả các SGK đã được phê duyệt có cấu trúc, ý tưởng, thiết kế hoàn toàn khác nhau. Trong năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới từ lớp 1 vẫn có một số ý kiến phản biện gay gắt về “sạn” trong SGK. Các ý kiến chủ yếu từ trên mạng xã hội. Không có nhà trường hay nhà khoa học nào đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét nội dung, kiến thức bị sai đưa vào SGK. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu và yêu cầu NXB cùng đọc, nhóm các nội dung để rà soát lại chuyển đến hội đồng xem xét.

Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, GS.TS Lê Anh Vinh đánh giá các sách giáo viên chưa có bộ nào được đầu tư công sức trong khi sách này rất cần được đầu tư đồng bộ để song hành với giáo viên trong quá trình dạy học.

“Bộ, Sở GD&ĐT nên có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn SGK cho giáo viên một cách thiết thực hơn”, ông Vinh nói.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.