Vụ nữ sinh Đắk Lắk bị đánh hội đồng trong tiếng reo hò phản cảm: Điều tra đối tượng cổ súy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công an đang mời nhóm học sinh đánh dã man nữ sinh lớp 9, đồng thời mời cả đối tượng đứng ngoài cổ súy, kích động nhóm nữ sinh đánh bạn tới tấp.

Chiều 25/10, ông Trần Ngọc Cẩm- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết đang chờ báo cáo của Trường THCS Nguyễn Du (phường An Lạc) về sự việc nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng. Quan điểm của phòng là xử lý nghiêm, không bao che.

Ông Huỳnh Tấn Minh- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho hay, việc nữ sinh lớp 9 của trường bị đánh hội đồng đang được công an phường xác minh, làm việc. Phía trường đang phối hợp công an để xử lý vụ việc trên tinh thần có tình có lý nhưng phải mang tính giáo dục, răn đe.

“Công an đã đưa nữ sinh bị đánh đi kiểm tra sức khỏe. Đến bây giờ, công an phường vẫn đang làm việc với nhóm nữ sinh và cả đối tượng có hành vi cổ súy cho việc đánh nữ sinh lớp 9”, ông Minh nói.

Vụ nữ sinh Đắk Lắk bị đánh hội đồng trong tiếng reo hò phản cảm: Điều tra đối tượng cổ súy ảnh 1

Nhóm nữ sinh kéo tóc, dùng tay chân, mũ bảo hiểm đánh bạn

Về nguyên nhân ban đầu, ông Minh cho biết, theo lời kể của các em học sinh, nữ sinh P.H.D.M. (người bị đánh) mượn mũ bảo hiểm của 1 nữ sinh lớp 8 (cùng trường) nhưng không trả. Sáng 24/10, nữ sinh lớp 8 và 1 người bạn cùng trường có đến hỏi chuyện em M. Hai bên có lời qua tiếng lại, sự việc được báo lên và nhà trường yêu cầu viết bản tường trình, yêu cầu các em có khúc mắc gì phải báo lên trường, không được tự ý giải quyết. Tuy nhiên, sau khi tan học (hơn 11 giờ trưa 24/10) lại xảy ra sự việc trên.

“Nhà trường không ngờ sự việc xảy ra tới mức độ như vậy. Do đánh ngoài trường nên có nhiều thành phần cổ súy, reo hò, càng kích động các em hành động. Tâm lý đám đông thật đáng sợ, tác động rất mạnh đến tâm lý các em chưa đủ tuổi vị thành niên”, ông Minh nói.

Mẹ nữ sinh bị đánh lên tiếng

Liên quan đến sự việc trên, chị H.T.T.D., mẹ của em P.H.D.M. (nữ sinh bị nhóm bạn nữ cùng trường dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp) cho hay, đang đưa em M. tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Theo chị D., hiện cháu M. rất mệt, đau đầu, ê ẩm khắp người.

Nói về nguyên nhân sự việc, chị D. cho hay, trước đó, em L. (học sinh lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Du) nhờ con chị giữ hộ 1 cái mũ bảo hiểm. Sau đó, một bạn học khác làm hỏng mũ bảo hiểm nên nữ sinh tên Y.N. (học lớp 8 của trường) bắt em M. phải đền mấy trăm ngàn đồng cho em L.

Do em M. không có tiền, hẹn đền sau thì bị nhóm của Y.N. dọa đánh. Sợ bị bạn đánh, mấy ngày sau, em M. ở nhà, không dám tới trường.

Sau khi biết được sự việc, ngày 24/10, chị D. động viên con đi học và nói trưa đến đón sẽ mang tiền đền mũ bảo hiểm cho bạn.

Tuy nhiên, khoảng 8 giờ cùng ngày, nhóm của em Y.N. đã đánh bạn ngay trong trường và được bảo vệ phát hiện, yêu cầu lên phòng viết bản tường trình. Sau khi viết xong, các nữ sinh khác vào học, riêng nữ sinh Y.N. bỏ về nhà.

Đến trưa cùng ngày, sau giờ tan học, nữ sinh Y.N. kéo theo một số nữ sinh khác tiếp tục dùng mũ bảo hiểm đánh em M. tới tấp.

Như Tiền Phong đưa tin, sáng 25/10, trên một số hội nhóm mạng xã hội truyền nhau đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một nữ học sinh mặc quần xanh áo trắng, đeo khăn quàng, trên vai còn mang chiếc cặp đã bị 3 nữ sinh khác dùng tay chân, mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu.

Thời điểm xảy ra sự việc, có rất nhiều học sinh và cả đối tượng ngoài trường cũng có mặt nhưng không có bất kỳ can ngăn, thậm chí còn có tiếng reo hò, đốc thúc “thêm cái nữa đi”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.