Tại kỳ họp thứ 9 diễn ra trong hai ngày 10 và 11/12, HĐND tỉnh TT-Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh thành Huế, với tổng mức hơn 108 tỷ đồng.
Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn sẽ được trùng tu, tôn tạo vào năm 2025, với tổng mức đầu tư hơn 108 tỷ đồng. |
Trước đó, tại Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 14/10/2021, HĐND tỉnh TT-Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh thành Huế.
Quy mô dự án gồm bảo tồn, tu bổ các hạng mục công trình trong khuôn viên tổng thể di tích Quốc Tử Giám như tam quan, tường bao 4 mặt, công trình Di Luân đường, hai nhà học tả hữu, hai nhà ở của các giám sinh tả hữu và hai kiều gia tả hữu kết nối giữa nhà học và hai nhà ở của các giám sinh, nhà trù.
Di tích Quốc Tử Giám từng là nơi đặt trụ sở Bảo tàng Lịch sử TT-Huế kể từ năm 1976. |
Cùng với đó là các hạng mục sửa chữa, nâng cấp nhà trực, bảo vệ, nhà vệ sinh, xây dựng bãi đỗ xe, sân đường, cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, chống sét. Tổng mức đầu tư dự án là gần 60,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác lập dự án, khảo sát, đánh giá chất lượng hiện trạng các công trình, các đơn vị chức năng đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, gồm thay đổi phương án tu bổ công trình Di Luân đường (từ tu bổ cục bộ sang tu bổ tổng thể), bổ sung các hạng mục nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh; trùng tu nội thất của Di Luân đường, hai nhà học tả hữu, điều chỉnh giảm hạng mục chống sét…
Sau khi Bảo tàng Lịch sử TT-Huế dời đi vào tháng 11/2024, di tích Quốc Tử Giám được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý. |
Với các nội dung trên, tổng mức đầu tư của dự án sau khi được điều chỉnh là hơn 108,6 tỷ đồng, tăng hơn 48 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã phê duyệt trước đó. Dự án sẽ được khởi công trùng tu trong năm 2025, dự kiến hoàn thành sau 4 năm.
Theo sử liệu, Quốc Tử Giám triều Nguyễn được xây dựng dưới thời vua Gia Long (tên gọi ban đầu là Đốc Học đường) tại làng An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà (nay thuộc TP. Huế), để đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1908, vua Duy Tân cho dời về bên trong Kinh thành Huế, tại số 1 đường 23 tháng 8, TP. Huế, như hiện nay.
Công trình nhà học thuộc Quốc Tử Giám hiện xuống cấp nghiêm trọng do hỏa hoạn, yếu tố thời gian. |
Năm 1976, Quốc Tử Giám được sử dụng làm trụ sở của Bảo tàng Lịch sử TT-Huế, trưng bày hơn 32.000 hiện vật lịch sử, cách mạng. Nơi đây từng xảy ra hỏa hoạn vào tháng 8/2022, khiến một số hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Vào tháng 11 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử TT-Huế tiến hành di dời hơn 32.000 hiện vật đến trụ sở mới tại 268 đường Điện Biên Phủ (TP. Huế), bàn giao di tích Quốc Tử Giám về cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị.
Cùng với di tích Quốc Tử Giám, HĐND tỉnh TT-Huế cũng thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu triều Nguyễn (giai đoạn 1). Tổng mức đầu tư của dự án sau khi được điều chỉnh có trị giá hơn 132,1 tỷ đồng, tăng hơn 66,1 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã phê duyệt vào năm 2022. Theo dự kiến, di tích Văn Miếu sẽ được khởi công trùng tu vào năm 2025, hoàn thành sau 3 năm triển khai.