Theo thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, trường giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ.
Kể từ năm 2022 trở về trước, Đại học Bách khoa Hà Nội dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhà trường cũng đã bỏ yêu cầu này.
Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Lý do nhà trường đưa ra là bởi qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Trường Đại học Y Hà Nội cũng không xét tuyển bằng học bạ bởi lo ngại thiếu công bằng cho các thí sinh từ mấy năm nay.
GS.TS.BS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, kết quả học bạ hiện nay chưa là công cụ tin cậy, nhất là đối với các ngành cạnh tranh như Sư phạm, Y dược, đặc biệt đối với ĐH Y Hà Nội.
Tương tự, tại phía Nam, trường Đại học Luật TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ bởi lo ngại thiếu công bằng cho các thí sinh
Trong khi đó, trường Đại học Công nghệ TP.HCM dự kiến bỏ phương án xét tuyển học bạ 3 học kỳ, giữ phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12. Theo đại diện trường, lý do điều chỉnh nhằm đảm bảo quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thông báo không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025. Thay vào đó, trường sử dụng các phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10-20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40-50% chỉ tiêu mỗi ngành).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường dành 20-40% chỉ tiêu cho các ngành có sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70- 80% cho các ngành còn lại.
Từ năm 2025 Đại học Quốc gia TP.HCM cũng xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh đại học, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.
Với quyết định này, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tiến tới bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học bạ của học sinh tại hơn 100 trường THPT trên toàn quốc (theo danh sách cập nhật hàng năm) nhằm đảm bảo công bằng và giúp thí sinh đỡ bị rối.
Như vậy có thế thấy, trong mừa tuyển sinh năm nay, các trường đại học top đầu và nhiều trường khác đã bỏ hình thức tuyển sinh bằng học bạ. Trong khi đó, năm 2024, có hơn 200 trường đại học công bố xét tuyển bằng học bạ.
Trường tăng, nơi giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT
Năm 2025, trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%).
Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, Anh), D01 (toán, văn, Anh) và D07 (toán, hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Theo nhà trường, năm 2025, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT từ 18% xuống còn 15% và không xét tuyển các tổ hợp B00, C03, C04, D09, D10.
Phần chỉ tiêu 3% này được nhà trường đưa vào phương thức xét tuyển riêng theo đề án của trường từ 80% năm 2024 lên 83% năm 2025.
Theo đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân, kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là quan trọng với phương án xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân vừa là xét thuần túy chiếm 15%; kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là 30%.
Trường ĐH Thương mại dự kiến năm 2025 sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đại diện tuyển sinh của trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, mùa tuyển sinh năm 2025 trường vẫn giữ nguyên các phương thức xét tuyển với 5 phương thức.
Cụ thể, trường xét tuyển bằng học bạ THPT cả ba năm cấp 3 và điểm số các tổ hợp môn học là từ 20 điểm trở lên (tối đa 20% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ; xét tuyển từ điểm ĐGNL chuyên biệt của ĐH Sư phạm TPHCM; xét tuyển từ điểm ĐGNL của ĐHQG TPHCM (tối đa của (2) + (3) + (4) là 20% chỉ tiêu) và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (tối đa 60% chỉ tiêu).
Tuy nhiên, phương án tuyển sinh năm nay của trường có thay đổi. Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT năm ngoái là 30%, còn năm nay tối đa 20%. Và tăng thêm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 50% chỉ tiêu (của năm ngoái), còn năm nay tăng lên 60%.
Vậy điểm thi tốt nghiệp THPT liệu có là cơ sở tin cậy để các trường xét tuyển? Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, điểm thi tốt nghiệp sẽ là cơ sở tin cậy nhưng cần hai điều kiện.
Thứ nhất là vấn đề đề thi. Việc ra đề của Bộ GD&ĐT đảm bảo các yếu tố lâu nay là độ khách quan, chính xác, đặc biệt là khả năng phân loại. Nếu khả năng phân loại không tốt thì không thể là công cụ để các trường có đầu vào cao cao sử dụng cho tuyển sinh.
Thứ hai, công tác coi thi, chấm thi của các địa phương phải đảm bảo công bằng, nghiêm túc. Chỉ khi đầy đủ hai điều kiện này thì điểm thi tốt nghiệp THPT mới là công cụ xét tuyển đáng tin cậy. Mất một trong hai điều kiện thì không là công cụ tin cậy nữa.