Thiếu giáo viên vẫn tinh giản biên chế: Ðịa phương xin cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bước vào năm học mới đã lâu nhưng các tỉnh Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu hàng nghìn giáo viên song vẫn phải tinh giản 10% biên chế theo quy định.

Có trường, hiệu trưởng và hiệu phó phải phụ trách mỗi người 1 lớp mới có thể đảm bảo việc dạy học. Nhiều lãnh đạo địa phương đau đầu tìm giải pháp, có nơi kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù.

Thiếu giáo viên vẫn tinh giản biên chế: Ðịa phương xin cơ chế đặc thù ảnh 1
Ông Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai, kiêm thêm đứng lớp

Chưa kịp ăn trưa đã phải đi 10km lên lớp buổi chiều

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, song năm học 2022-2023, Gia Lai vẫn thiếu 3.016 giáo viên (1.231 giáo viên mầm non, 817 giáo viên tiểu học, 660 giáo viên THCS, 308 giáo viên THPT và 1.512 nhân viên). Tại Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP Pleiku) có 641 học sinh (21 lớp) nhưng chỉ có 15 giáo viên dạy các môn văn hóa, đang thiếu 6 giáo viên.

“Đầu năm học, nhà trường đã triển khai các giải pháp nhằm tránh xảy ra tình trạng có trường, lớp nhưng không có giáo viên. Trường có 1 giáo viên phải dạy hai lớp 1. Hiệu trưởng và hiệu phó phải phụ trách mỗi người 1 lớp mới có thể đảm bảo việc dạy học. Vì thiếu giáo viên nên nhà trường vẫn còn 2 lớp 1 chưa thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày mà chỉ có thể tăng số tiết/buổi”, ông Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai, thông tin.

Cô Vương Thị Xuân Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai, chia sẻ: “Tôi được phân công chủ nhiệm, giảng dạy tại điểm trường trung tâm và điểm trường làng Wâu. Sau 5 tiết buổi sáng, tôi trở về nhà và hầu như không được nghỉ ngơi, có hôm chẳng kịp ăn cơm trưa đã phải di chuyển vào điểm trường lẻ cách nhà khoảng 10km để lên lớp buổi chiều. Nhiều ngày tôi phải đi từ sáng sớm vì phải đến tận nhà vận động, chở học sinh ra lớp”.

Tỉnh Đắk Nông cũng đang thiếu gần 1.000 giáo viên trong năm học 2022-2023 khiến công tác dạy và học ở nhiều địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa đang rất khó khăn. Nhiều nơi không thể tuyển sinh đối với học sinh từ 3-5 tuổi vì không có giáo viên đứng lớp.

Một trong những địa phương thiếu giáo viên nhất tỉnh này là huyện Đắk G’long. Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay, năm học 2022-2023, địa phương thiếu 108 giáo viên. Những trường thiếu nhiều nhất là Trường THCS Đắk R’măng, Trường THCS Hoàng Văn Thụ và Trường Tiểu học La Văn Cầu.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, UBND huyện Đắk G’long (Đắk Nông) linh động bố trí dạy thêm giờ, hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế. Vì không có giáo viên, địa phương này chưa huy động hết số trẻ trong độ tuổi đến trường. Hiện Đắk G’long có gần 1.400 trẻ từ 3-5 tuổi chưa đến trường.

Dù thiếu giáo viên nhưng hằng năm, huyện Đắk G’long phải thực hiện tinh giản biên chế 10%. “Mấy năm qua, địa phương đã tinh giản hơn 20 biên chế giáo viên theo quy định. Yêu cầu tinh giản biên chế áp theo định mức như vậy không phù hợp, nhất là những khu vực đang thiếu giáo viên như huyện Đắk G’long. Theo tôi, việc tinh giản phải rà soát, giảm ở khu vực thừa cục bộ, chứ không nên cào bằng”, ông Phương nói.

Huyện Đắk G’long đang thông báo tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, theo ông Phương, khả năng tuyển đủ chỉ tiêu được giao rất khó bởi nguồn giáo viên ít, Đắk G’long là vùng sâu vùng xa, ít người muốn về.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, cho hay, năm học này, toàn tỉnh thiếu 980 giáo viên. Vừa qua, tỉnh được bổ sung 115 biên chế và đang làm thủ tục trình hội đồng để sớm phân bổ biên chế về các địa phương. Như vậy, toàn tỉnh đang thiếu hơn 700 giáo viên.

Bắc Giang thiếu hơn 2.600 giáo viên

Theo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, hiện tỉnh Bắc Giang thiếu hơn 2.600 giáo viên, trong đó thiếu 1.800 giáo viên mầm non và hơn 800 giáo viên tiểu học. Bậc THCS và THPT tỉnh Bắc Giang đủ giáo viên. Nguyên nhân thiếu giáo viên là do số lượng trẻ mầm non và học sinh tiểu học tăng, trong khi đến năm 2026, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang phải giảm 10% biên chế so với năm 2021. Ðể giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, tỉnh Bắc Giang tuyển thêm giáo viên trong số lượng chỉ tiêu được giao, đồng thời tiếp tục hợp đồng với giáo viên. Tỉnh cũng mở rộng tuyển giáo viên tỉnh ngoài. Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang đề xuất Trung ương giao số lượng biên chế ngành giáo dục riêng, không nên giảm biên chế cơ học.

Nguyễn Thắng

Kiến nghị cơ chế đặc thù

Nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, đầu năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Gia Lai đã điều động, biệt phái 93 giảng viên, giáo viên thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và một số trường THPT trong tỉnh đến giảng dạy tại các trường có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, thông tin, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục, nội vụ cùng các địa phương quyết liệt, chủ động tìm giải pháp để tháo gỡ “nút thắt” về thực trạng thiếu giáo viên. Một trong số đó là đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, sáp nhập các trường quy mô nhỏ trên cùng địa bàn để giảm biên chế cán bộ quản lý, nhân viên trường học; nâng sĩ số học sinh/lớp ở từng bậc học lên mức tối đa theo Điều lệ trường học...

Đắk Nông cũng triển khai nhiều biện pháp giải quyết bài toán thiếu giáo viên. UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các sở, ngành liên quan bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu công việc tại các đơn vị trên nguyên tắc bảo đảm số tiết dạy/tuần đối với giáo viên, số giờ làm việc/ngày đối với nhân viên; giảm thiểu định mức nhân viên để tận dụng nguồn biên chế ưu tiên cho đội ngũ giáo viên.

Đồng thời, bồi dưỡng giáo viên dạy tiểu học (dạy môn chung) có thể dạy những môn Giáo dục thể chất, phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ; bố trí một giáo viên chuyên ngành (Âm nhạc, Mĩ thuật) có thể dạy liên trường, liên cấp tại các trường cùng xã, phường.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài chuyện khó tuyển dụng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên. Ðó là do tăng quy mô học sinh, chuẩn sĩ số học sinh trên lớp giảm so với trước đây. Trong đó, một nguyên nhân lớn là ngành giáo dục cũng như các ngành khác theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế.

UBND tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động điều chuyển, phân công giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ; xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên thay thế kịp thời số lượng giáo viên thôi việc, nghỉ hưu, tinh giản biên chế và chuyển công tác; Sở GD&ĐT phối hợp Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng dự toán kinh phí dạy tăng tiết, dạy thêm đối với số biên chế giáo viên còn thiếu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt nhằm bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện…

“Địa phương đang có hơn 160.000 dân di cư tự do. Việc tăng dân số cơ học tạo áp lực rất lớn cho địa phương. Dù đang thiếu giáo viên nhưng địa phương vẫn phải thực hiện tinh giản 10% biên chế, đã thiếu giáo viên nay càng thiếu hơn.

Tôi kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu, có cơ chế đặc thù cho những khu vực như Đắk Nông. Việc tinh giản biên chế phải được rà soát thực tế để áp dụng cho phù hợp. Có như vậy, địa phương mới giải quyết được nguồn nhân lực giáo dục, đảm bảo chất lượng dạy và học”, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông nói.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.