Giáo viên 'chạy sô'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm học 2022-2023, TPHCM thiếu gần 6.000 giáo viên, đặc biệt là ở bậc tiểu học khiến ngành giáo dục phải điều động, biệt phái giáo viên, nhất là với các môn Tiếng Anh, Tin học.

Tuy nhiên, phương án này không dễ thực hiện bởi cả bậc tiểu học, THCS lẫn THPT đang thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học…

Tiếng Anh, âm nhạc… “đắt sô”

Mới thành lập, Trường THCS Tô Ngọc Vân (quận 12) năm nay tuyển sinh 10 lớp 6. Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, nhưng trường hiện thiếu giáo viên cơ hữu. Học sinh (HS) đi học đã được 2 tuần, nhưng trường còn thiếu 7 giáo viên các môn Tiếng Anh, Văn, Mỹ thuật, Âm nhạc, tổng phụ trách Đội... Trường cũng không có nhân viên y tế, nhân viên công nghệ thông tin. Do thiếu giáo viên, Ban giám hiệu trường phải nhờ người này người kia giới thiệu để tìm giáo viên thỉnh giảng. Cuối cùng, trường cũng tìm được một số giáo viên. Môn nào chưa có giáo viên thỉnh giảng, các thầy cô giáo trong trường phải tăng tiết, cố gắng không để lớp trống tiết, HS ngồi chơi.

Là một trong những giáo viên thỉnh giảng tại Trường THCS Tô Ngọc Vân, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, giáo viên cơ hữu môn Âm nhạc của Trường THCS Độc Lập (quận Phú Nhuận), có khoảng cách di chuyển giữa hai trường xa nhất - khoảng 12 km. Cô Bích cho biết, cô được vào biên chế Trường THCS Độc Lập từ năm 2015. Do Âm nhạc là môn học khá đặc thù, năm nào cô cũng được trường này, trường kia mời thỉnh giảng.

“Năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới nên lại càng thiếu giáo viên môn này. Nhiều trường mời nhưng tôi không dám nhận lời vì không có thời gian cũng như sức khoẻ. Một tuần tối đa 40 tiết, trong khi số tiết nghĩa vụ ở trường chính là 19 tiết, còn lại tôi thỉnh giảng thêm ở Trường THCS Tô Ngọc Vân trên dưới 15 tiết. Tôi may mắn được ban giám hiệu hai trường xếp lịch dạy không trùng nhau, không cùng ngày nên cũng tiện để làm việc, chứ không thì sẽ đuối sức vì phải “chạy sô”, cô Bích bộc bạch.

Một nam giáo viên (xin giấu tên) dạy tiếng Anh tại một trường THCS ở quận 3 cho hay, năm nay thầy chạy bở hơi tai vì nhiều trường mời dạy thỉnh giảng. Sau khi hoàn thành số tiết nghĩa vụ tại trường, thầy dạy thỉnh giảng thêm ở hai trường THCS khác ở hai quận lân cận. “Chạy 6 ngày/tuần, nhiều ngày sáng chạy trường này, chiều chạy trường kia nên hầu như không có thời gian nghỉ trưa”, thầy kể. Dù vất vả nhưng thu nhập của thầy tăng gấp 3 so với trước đây bởi dạy thỉnh giảng được trả công cao hơn.

Biệt phái giáo viên xuống dạy tiểu học

Năm nay, việc giáo viên “chạy sô” náo nhiệt hơn bởi được Sở GD&ĐT TPHCM “bật đèn xanh”. Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tất cả học sinh lớp 3 từ năm học này được học Tiếng Anh, Tin học. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên, TPHCM đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường học có phương án bố trí giáo viên linh hoạt. Cụ thể, các Phòng GD&ĐT có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học. Các giáo viên biệt phái được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình và sách giáo khoa cấp tiểu học.

Giáo viên 'chạy sô' ảnh 1

Giáo viên tranh thủ chấm bài trong giờ giải lao Ảnh: Nguyễn Dũng

Để giáo viên an tâm “chạy sô”, Sở GD&ĐT yêu cầu các địa phương và nhà trường có phương án đảm bảo quyền lợi cho giáo viên sao cho phù hợp với thực tế. Các trường gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để giáo viên dạy được liên trường, dạy tại nhiều điểm trường, hoặc xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến để một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều lớp ở những địa điểm khác nhau.

Bà Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận 4, cho biết, quận là một trong những nơi luôn trong tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, điển hình là Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh và Trường Tiểu học Đống Đa. Quận 4 thiếu 15 giáo viên Tiếng Anh và Tin học nhưng 2 năm qua không tuyển dụng được giáo viên nào.

“Trước tình trạng thiếu giáo viên nhưng không tuyển được, các trường tiểu học phải xoay xở đủ kiểu, trong đó hợp đồng với các giáo viên bên ngoài để dạy Tiếng Anh tự chọn, tăng cường. Ngoài ra, quận cũng thiếu giáo viên ở các bộ môn khác, nhưng những bộ môn này dễ xoay xở hơn khi có thể hợp đồng với các giáo viên về hưu…”, bà Hà nói. Đây cũng là phương án mà nhiều nhà trường, địa phương tại TPHCM đang thực hiện để lấp chỗ trống.

Về nguyên nhân thiếu giáo viên nhưng không tuyển được dù nhiều người vẫn đang dạy hợp đồng, bà Hà nói rằng, do lo ngại bị gò bó, nhiều người không muốn ứng tuyển để được tự do “chạy sô” nhiều nơi, có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, nhiều người đang dạy hợp đồng dù muốn vào biên chế nhưng lại thiếu tiêu chí này, tiêu chí kia, không đủ điều kiện ứng tuyển…

Cô Ngô Thị Thúy, giáo viên dạy Tiếng Anh thỉnh giảng tại Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu (quận 12), chỉ muốn dạy thỉnh giảng, chứ không muốn vào biên chế. Ra trường hơn 15 năm trước, cô Thúy đi làm bên ngoài, sau đó vào biên chế ngành giáo dục Gò Vấp, giảng dạy môn Tiếng Anh. Dạy được gần chục năm, cô Thúy lại xin ra ngoài đi dạy tự do để có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và có thu nhập cao hơn, dù thời điểm đó quận Gò Vấp có nhiều chính sách và mặt bằng chung thu nhập cao hơn nhiều địa phương khác.

“Giáo viên mới ra trường, nếu dạy chính thức ở trường, ngoài đảm bảo đủ 24 tiết/tuần còn phải làm các việc ngoài chuyên môn như chủ nhiệm, họp, sổ sách… nhưng lương thì theo hệ số. Còn giảng dạy hợp đồng được trả lương theo thỏa thuận. Với số tiết như nhau, giáo viên hợp đồng có thu nhập cao hơn giáo viên chính thức, trong khi thời gian, trách nhiệm ở trường lại ít hơn. Đó là lý do khiến tôi và nhiều đồng nghiệp khác chỉ thích dạy hợp đồng hơn là vào biên chế”, cô Thúy nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.