Thiếu giáo viên
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, hiện nay cả nước có 8.016 giáo viên tin học, 23.492 giáo viên ngoại ngữ cấp tiểu học trong biên chế. Từ nay đến năm học 2024 - 2025 cả nước cần tuyển thêm 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ để dạy chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học.
Đến thời điểm này số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc khoảng 16.000 người. Trong đó, giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các tỉnh/TP như: TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng...
Bộ GD&ĐT đề xuất chính sách tiền lương mới cho giáo viên |
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Đúng là hiện nay có tình trạng giáo viên chuyển sang các ngành nghề khác. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành Giáo dục, số giáo viên nghỉ việc các cấp học mầm non, phổ thông công lập trên toàn quốc không phải là quá lớn hoặc đột biến, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (trong đó có nhiều giáo viên chuyển sang làm việc ở khối trường tư thục)".
Đề xuất lương nhà giáo ưu tiên xếp cao nhất
"Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác, Bộ đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”; tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác", ông Vũ Minh Đức nói.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các địa phương có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên tại chỗ như: hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, nâng cao trình độ…. Xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác. Có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Năm học 2022-2023 nhiều địa phương đối mặt tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. (ảnh: Quỳnh Anh) |
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương chủ động nguồn tuyển dụng, đặt hàng với cơ sở đào tạo để đào tạo mới giáo viên các bộ môn tin học, ngoại ngữ cũng như đào tạo liên thông lên trình độ đại học sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học... Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu đề xuất của các địa phương.
Về lâu dài, để tránh tình trạng "ăn đong" vì thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT có giải pháp dài hơi hơn. Quán triệt tinh thần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, đồng bộ giữa các Bộ, ngành liên quan; làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
“Việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vừa bảo đảm việc thực hiện tinh giản biên chế vừa bảo đảm phương châm ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên; ở đâu có học sinh, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của tất cả trẻ em và học sinh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên”, ông Đức nói.
Ngoài ra, ông Đức khẳng định, cần phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.